Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, điểm b, khoản 4, Điều 17 dự thảo luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.
Qua tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế,
Góp ý về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp đề nghị quy định trong luật về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhìn nhận, do đây là một dự án luật phức tạp, lần này Ủy ban Tư pháp chọn nêu 4 vấn đề để xin ý kiến, song còn rất nhiều vấn đề khác phải tiếp tục làm rõ. Riêng về lao động ngoài trại giam, ông Định tán thành quy định cho phép đưa phạm nhân ra lao động tại “khu sản xuất”, “điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam. “Tôi thấy lao động ngoài trại giam có thể chấp nhận được, chứ trong trại thì đa số ở vùng khó khăn, rất khó tổ chức lao động. Nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động; trách nhiệm quản lý phạm nhân...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, lao động là một quyền của tù nhân, việc tổ chức cho phạm nhân lao động có một mục tiêu quan trọng nữa là hướng tới tương lai hòa nhập cộng đồng cho họ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc tổ chức lao động cho phạm nhân phải tuân thủ các công ước quốc tế, và pháp luật về lao động của Việt Nam (về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện vệ sinh an toàn lao động…).
Chiều 10-1, trước khi bế mạc phiên họp thứ 30, UBTVQH đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Các nghị quyết trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2019.