Đảm bảo tiến độ Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội

Ngày 12-9, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Sơ đồ đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội
Sơ đồ đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội

Đang tích cực giải phóng mặt bằng

Theo đại diện đơn vị tư vấn, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8km. Trong đó, địa phận Hà Nội 57,95km; Hưng Yên 19,31km; Bắc Ninh 26,56km và 9,7km tuyến nối.

Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư nhóm dự án thành phần số 1 (giải phóng mặt bằng theo đầu tư công) và số 2 (xây dựng đường song hành theo đầu tư công) đã hoàn thành. Riêng nhóm dự án thành phần số 1 đã đạt trên 84%. Nhóm dự án 2 khởi công từ 25-6-2023.

Với nhóm dự án thành phần số 3 (làm đường cao tốc lõi) theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hội đồng thẩm định Nhà nước đã họp và cơ bản thông qua nội dung đầu tư theo hình thức này. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 55.000 tỷ đồng, thời gian thu phí 25 năm.

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện dự án này rất cần thiết, giúp cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ách tắc đường Vành đai 3, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương lân cận thuộc vùng Thủ đô.

TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho rằng, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội, thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Đồng thời, góp phần phát triển mới một số khu vực, như: Nam sông Hồng, phía Tây đường Vành đai 4; Bắc sông Hồng, huyện Mê Linh, sân bay Nội Bài, đô thị Sóc Sơn, Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và huyện Gia Lâm...

Do đó, quá trình tư vấn cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến phát triển mạng lưới đường cao tốc, vai trò kết nối của tuyến cao tốc. Đồng thời, cần xem xét và nghiên cứu kỹ các phương án bảo đảm việc phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường một cách hiệu quả nhất, bảo đảm không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp...

Cần xem xét kỹ các bài toán liên quan

Theo các chuyên gia, để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, nhất là khi dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP, các cơ quan quản lý cần xem xét kỹ lưỡng các bài toán liên quan đến hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra thực tế, đôn đốc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra thực tế, đôn đốc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Đặc biệt, TS Phạm Văn Khánh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý cần phân tích các rủi ro chính của dự án, làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư. Hơn nữa, do dự án có tổng vốn đầu tư lớn, đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh; vấn đề đàm phán về mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cũng cần lưu ý quá trình lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm phù hợp năng lực, giảm thiểu áp lực về huy động vốn vay.

Các chuyên gia cũng lưu ý, các cơ quan cần nghiên cứu, xem xét giải quyết hợp lý đối với các nút giao giữa các đường cao tốc; giao cắt với các tuyến đường sắt; các nút giao liên thông; kết nối hạ tầng khác và kết nối phục vụ dân sinh…

Để dự án đảm bảo tiến độ đề ra, ông Lê Mạnh Cường, Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng đề nghị, do nhu cầu vật liệu tương đối lớn, dự án lại được triển khai đồng thời với các dự án khác trong khu vực, trong khi các địa phương có dự án đi qua có nguồn vật liệu hạn chế, UBND TP Hà Nội - cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ nguồn cung cấp vật liệu, xây dựng phương án khai thác cụ thể, trong đó phải đánh giá hiện trạng các mỏ hiện nay, phương án vận chuyển và thi công cho từng hạng mục của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội là dự án công trình giao thông lớn, trọng điểm quốc gia đã được Bộ Chính trị thông qua tại Thông báo số 13-TB/TW ngày 16-4-2022. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị chỉ đạo “phấn đấu hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 trước năm 2027”.

Ngày 16-6-2022, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 56/2022/QH15. Ngày 18-8-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.

Tin cùng chuyên mục