Việc tổng thời lượng dạy học bị rút ngắn đã ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy của giáo viên khi thực hiện yêu cầu “tải” hết nội dung kiến thức trong chương trình.
Xung quanh vấn đề trên, ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, căn cứ chương trình tổng thể của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (ngày 26-12-2018), được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT (ngày 3-8-2022), số tiết dạy được quy định ở mỗi môn học tương ứng với 35 tuần thực học.
Hàng năm, căn cứ quyết định khung thời gian năm học do Bộ GD-ĐT ban hành, Sở GD-ĐT TPHCM tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để triển khai thống nhất đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, trong 3 năm học gần nhất, TPHCM triển khai các quy định sau: năm học 2021-2022, UBND TPHCM ban hành quyết định quy định cấp THPT có 35 tuần thực học/năm và 2 tuần dự trữ; năm học 2022-2023, UBND TPHCM ban hành quyết định quy định cấp THPT có 35 tuần thực học/năm và thời gian còn lại dành cho các hoạt động khác; năm học 2023-2024, UBND TPHCM ban hành quyết định quy định cấp THPT có 35 tuần thực học/năm và thời gian còn lại dành cho các hoạt động khác. Như vậy, kế hoạch giảng dạy đối với cấp THPT phải có tổng thời lượng 35 tuần thực học.
Ngoài ra, theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, kế hoạch giảng dạy hiện nay do các trường tự xây dựng. Trong đó, thời gian tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ không tính vào tổng thời lượng dạy học. Đơn cử, nếu trường bố trí 2 tuần lễ để kiểm tra định kỳ thì phải tổ chức dạy học bù lại 2 tuần đó.
Theo quy định, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với các hoạt động giáo dục triển khai trong nhà trường. Do đó, nếu ở trường nào kế hoạch giảng dạy chưa thực hiện đúng quy định, giáo viên cần thông qua tổ chuyên môn, công đoàn trường kiến nghị xem xét.