Quyền lợi chính đáng của người lao động
Bộ luật Lao động hiện hành quy định giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm. Đối với những ngành nghề đặc thù do Chính phủ quy định như may mặc, giày da, khai thác, hầm lò, thi công xây dựng công trình..., giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm. Thế nhưng thực tế tại một số doanh nghiệp (DN), giờ làm thêm của người lao động luôn vượt quá mức quy định, thậm chí là gấp đôi quy định, để đảm bảo yêu cầu sản xuất kinh doanh hoặc tiến độ thi công.
Do vậy, cùng với quy định cho phép tăng giờ làm thêm, cần chú trọng các biện pháp ngăn chặn tình trạng DN lạm dụng, vắt kiệt sức người lao động, và phòng tránh nguy cơ xảy ra tai nạn lao động vì tăng ca căng thẳng, quá sức.
Mức lương khi tăng ca, tăng giờ làm thêm phải được chi trả xứng đáng với năng suất, công sức của lao động; ngoài ra DN phải quan tâm bữa ăn giữa ca, bữa ăn phụ và chăm sóc sức khỏe chu đáo cho người lao động tăng ca.
Thực tế ở nước ta hiện nay, việc chăm lo bữa ăn, chăm sóc sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ, chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác dành cho người lao động tăng ca ở một số DN còn thiếu, yếu. Có những DN liên tục nhiều năm không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, vì vậy sức khỏe người lao động suy giảm, năng suất, chất lượng lao động thấp.
Tiền lương của thời gian làm việc tăng ca phải cao hơn và phải có thỏa thuận cụ thể với người lao động. Việc cho phép tăng ca, tăng số giờ làm thêm phải đi kèm việc buộc các DN, chủ sử dụng lao động phải có những chính sách, chế độ thực sự xứng đáng với công sức đóng góp của người lao động.
Việc tăng giờ làm thêm phải hài hòa, đảm bảo được sức khỏe người lao động. Cần có những quy định cũng như trách nhiệm pháp lý và có chế tài xử lý nghiêm đối với các DN vi phạm.
Ngoài ra, cần cân nhắc, đánh giá rõ tác động của việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, an toàn lao động trước mắt cũng như lâu dài; ảnh hưởng đến sự thụ hưởng văn hóa tinh thần của người lao động, cũng như những hệ lụy khác về mặt xã hội đối với người lao động khi phải thường xuyên làm thêm giờ.
Chăm lo an sinh xã hội cho người lao động
Cùng với quy định mốc tuổi và lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, rất cần thiết kế các quy định tương thích với chủ trương cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Nghị quyết 28-NQ/TW và thực tế của việc thực hiện Điều 60 của Luật BHXH hiện nay.
Hiện nay độ tuổi hưu quy định là 55 đối với nữ và 60 đối với nam, nhưng thực tế nhiều người lao động nghỉ hưu sớm hơn quy định. Mặt khác, trong số người lao động lớn tuổi, chỉ một số ít tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí, còn lại phần lớn thường chọn hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Số lao động này ngày càng tăng và đại bộ phận trong số này là những lao động làm việc trong những ngành nghề thâm dụng lao động, khó có thể tiếp tục làm việc khi tuổi cao, không phù hợp với yêu cầu của nghề nghiệp.
Những ngành nghề này thường có số giờ làm việc tăng thêm cao nhất. Thực tế là số lao động này khó có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp để tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc. Khi không có việc làm mới, những lao động này không có điều kiện và nguồn lực để tham gia BHXH tự nguyện.
Việc ngừng đóng BHXH và hưởng trợ cấp một lần ngày càng tăng là điều dễ hiểu. Số ngừng đóng BHXH ở TPHCM đang ngày càng tăng: năm 2015 là 87.000 người, năm 2016 gần 95.000 người; năm 2017 là hơn 105.000 người và năm 2018 lên gần 115.500 người.
Như vậy, một khi nâng trần tuổi nghỉ hưu thêm 5 tuổi, với đặc điểm nghề nghiệp ở những ngành thâm dụng lao động nói trên, thì thực chất chế độ hưu trí cho những lao động này là điều khó có thể xảy ra.
Để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh việc hưởng chế độ hưu trí cho người lao động ở tuổi hưu ngày càng tăng, kể cả khi nâng trần tuổi hưu lên 60 và 62, nhất thiết phải thiết kế chính sách BHXH - trong đó có chế độ hưu trí - theo quan điểm và mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra, theo đó phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng... bảo đảm mọi người lao động đều được chăm lo an sinh xã hội.