* PHÓNG VIÊN: Việc bỏ thi thăng hạng viên chức có giúp nâng chất lượng viên chức hay không, thưa ông?
* Ông NGUYỄN TƯ LONG: Trước Nghị định 85, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chủ yếu thông qua hình thức thi. Nghị định 85 không tiếp tục quy định về thi thăng hạng mà chỉ giữ hình thức xét và giao các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp với đặc thù của từng ngành, nghề để bảo đảm việc thăng hạng gắn với nâng cao chất lượng của đội ngũ.
Ví dụ như Bộ Y tế phải xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện riêng để áp dụng thăng hạng đối với bác sĩ từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I, như phải bảo đảm bao nhiêu giờ khám chữa bệnh an toàn, bác sĩ ngoại khoa phải bảo đảm qua bao nhiêu giờ mổ.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, Nghị định 85 đã giao rất rõ cho các bộ quản lý viên chức chuyên ngành xây dựng thông tư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để thăng hạng (từ hạng III lên hạng II, từ hạng II lên hạng I - tương đương chuyên viên lên chuyên viên chính).
Đối với những ngành nghề còn chức danh hạng V lên hạng IV và hạng IV lên hạng III, chỉ cần bảo đảm điều kiện sàn, nếu hạng thấp nhất đang làm ở vị trí việc làm phù hợp là được xét thăng hạng mà không phải chờ quy định của các bộ quản lý chuyên ngành. Các bộ, ngành cũng cần quan tâm tập trung xây dựng các thông tư để xét thăng hạng viên chức của chuyên ngành mình trong thời hạn 3 tháng để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức thuộc lĩnh vực quản lý.
* Ngoài bỏ thi thăng hạng, Nghị định 85 còn có những điểm mới gì trong tuyển dụng viên chức, đặc biệt là đối với các đơn vị được tự chủ, để tuyển chọn được người có đủ năng lực, phẩm chất vào bộ máy?
* Tự chủ của đơn vị sự nghiệp có nhóm tự chủ nhóm 1 (tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên) và nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên) tự quyết định việc tuyển dụng. Hiện nay, trong Nghị định 85 tiếp tục giao cho các đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 căn cứ vào các quy định của bộ quản lý chuyên ngành có thể xét thăng hạng, bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý từ hạng I xếp lương A2 trở xuống. Đối với viên chức hạng I xếp lương A3, sẽ thực hiện theo phân cấp của cơ quan quản lý.
Việc đẩy mạnh phân cấp như vậy cũng phù hợp với mức độ tự chủ và giảm yếu tố “hành chính” trong quản lý nhà nước. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác cũng vậy, Nghị định 85 quy định cho phép phân cấp, ủy quyền tối đa, nghĩa là thẩm quyền thuộc bộ, UBND cấp tỉnh nhưng cho phép phân cấp, ủy quyền cho cơ quan trực tiếp quản lý. Đối với bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương, nâng lương trước thời hạn thuộc thẩm quyền riêng, không bắt buộc là thẩm quyền chung của tập thể UBND.
* Đối với các địa phương, quy định xét thăng hạng mới đã giải quyết được những hạn chế nào so với trước đây?
* Đối với thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp hiện nay đã hoàn toàn thuộc về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (trước đây UBND cấp tỉnh chỉ tổ chức thi, xét từ hạng II trở xuống). Việc này sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và không bị phụ thuộc vào thời gian tổ chức của bộ quản lý chuyên ngành. Nội dung này rất quan trọng đối với các tỉnh có số lượng viên chức lớn như Hà Nội, TPHCM (mỗi địa phương có khoảng 100.000 viên chức thuộc các ngành, nghề). Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là các địa phương vẫn phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện do các bộ quản lý chuyên ngành quy định.
* Viên chức có số lượng lớn là giáo viên. Khi Nghị định 85 đi vào thực tiễn cuộc sống, đối tượng này được thừa hưởng những gì, thưa ông?
* Giáo viên sẽ là đối tượng chính, vì lực lượng viên chức là giáo viên chiếm số lượng đông nhất. Nghị định bỏ thi thăng hạng nên họ sẽ không phải thi nữa, đó là thay đổi lớn nhất. Còn tiêu chuẩn, điều kiện như thế nào sẽ do hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
* Quy định mới về xét thăng hạng viên chức sẽ ưu tiên, mở rộng đối tượng tiếp nhận như thế nào để thực hiện chủ trương thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan trong hệ thống chính trị?
* Trước đây, cơ chế của chúng ta chỉ tiếp nhận các đối tượng trong hệ thống, chưa mở tới đối tượng phù hợp đang công tác tại khu vực tư, đặc biệt là ở các doanh nghiệp. Nghị định 85 đã mở rộng đối tượng được tiếp nhận, cho phép tiếp nhận đối với cả những người đang công tác tại doanh nghiệp khu vực tư, miễn đáp ứng được thời gian công tác phù hợp và đáp ứng được trình độ chuyên môn.
Riêng thu hút, trọng dụng nhân tài, đối với những người có trình độ cao (tốt nghiệp tiến sĩ trở lên), Nghị định 85 mở rộng đối tượng không phân biệt tốt nghiệp trong nước hay nước ngoài, mà chỉ cần có kinh nghiệm làm việc (kể cả nước ngoài) đủ 3 năm sẽ được tiếp nhận vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, kể cả để bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý mà không phải tổ chức sát hạch.
* Hiện nay, các đơn vị, bộ, ngành, địa phương đã có đề án tuyển dụng trước khi Nghị định 85 có hiệu lực có phải áp dụng theo các quy định mới trong Nghị định 85 hay không?
* Nội dung này Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi bộ, ngành, địa phương để thống nhất thực hiện. Theo đó, nếu đề án tổ chức thi thăng hạng theo quy định cũ đã được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục tổ chức thi theo quy định cũ hoặc chờ xét theo quy định của các bộ quản lý chuyên ngành.
Riêng đối với viên chức hạng V lên hạng IV và hạng IV lên hạng III, kể cả đã có trong danh sách kèm theo đề án đã được phê duyệt, cũng không phải thi mà đương nhiên được xét thăng hạng, vì các đối tượng này đã được coi là đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không phải chờ quy định mới.