Khổ vì vướng quy hoạch
Từ hơn chục năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Mười ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TPHCM) “mất ăn mất ngủ” vì tự dưng bị đồ án quy hoạch Khu đô thị (KĐT) mới Tây Bắc “vẽ” một con đường chạy ngang, cắt mất gần phân nửa diện tích mảnh đất của gia đình. Chỉ với nét vẽ này, theo ông Mười, giá trị mảnh đất đã giảm hơn một nửa so với nhiều khu đất lân cận may mắn được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu. Ông Mười cho biết, ông đã rao bán đất mấy lần, và khi biết mảnh đất “dính” quy hoạch đường giao thông, người mua đã bỏ đi hoặc trả giá rất thấp.
Những hộ dân rơi vào hoàn cảnh như ông Mười không hiếm ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn. Rất nhiều nơi ở TPHCM, người dân bị ảnh hưởng quyền lợi vì nhà, đất bị quy hoạch làm công trình công cộng (như đường, công viên cây xanh). Ông Tư, một người dân có 2.000m2 đất nông nghiệp ở huyện Hóc Môn, đã từng gặp khó khăn khi xin giấy phép xây chuồng nuôi gà. Lý do khiến ông Tư gặp khó như vậy là do miếng đất của ông bị quy hoạch làm công viên cây xanh. Bao giờ làm công viên thì chưa biết nhưng căn cứ vào quy hoạch này, cơ quan chức năng không cho phép ông xây dựng công trình trên đất.
Tại khu Nam TPHCM, tình hình diễn ra tương tự. Trên địa bàn xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện có nhiều căn nhà được xây tạm bợ, nhiều khu đất trống bỏ không. Ông N.K.D. (ngụ ấp 1, xã Hiệp Phước) cho biết, ông nghe đến việc quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước hơn 10 năm nay, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy rục rịch gì. Mới đây, khi căn nhà cũ xuống cấp, mái dột nát không thể che nắng che mưa, ông D. nộp đơn lên UBND xã xin sửa nhà. Xã cử cán bộ xuống thẩm định rồi mới đồng ý cho sửa, nhưng chỉ được sửa tạm bợ với lý do nhà, đất của ông thuộc quy hoạch phát triển KĐT cảng Hiệp Phước.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, và hiện đang được điều chỉnh với sự chấp thuận của Thủ tướng. Quy hoạch này phủ kín diện tích TPHCM; từ cơ sở đó, các đồ án quy hoạch phân khu hoặc quận, huyện được hình thành, như đồ án quy hoạch KĐT Tây Bắc, đồ án quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước… Nỗi khổ của người dân có nhà, đất bị “dính” quy hoạch công trình công cộng trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị là những đồ án này thường kéo dài rất lâu, khó xác định được thời gian thực hiện; mặc dù theo
Luật Quy hoạch, 5 năm một lần Nhà nước phải rà soát lại quy hoạch chung và 3 năm phải rà soát lại quy hoạch chi tiết.
Cần nhanh chóng điều chỉnh
Một cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho biết, rất khó xử khi gặp tình huống đất nông nghiệp của người dân bị quy hoạch công trình công cộng, đã kéo dài mấy chục năm. Khó ở chỗ là họ chỉ được đền bù theo mức giá đất nông nghiệp, dù họ hoàn toàn có khả năng và rất mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, người dân không thực hiện được việc này vì vướng quy hoạch công trình công cộng. Trong khi đó, cách vị trí nhà, đất của họ không xa, người dân có nhà, đất may mắn được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu thì đã có thể xây, sửa nhà, cải thiện đời sống và cùng với đó là giá trị nhà, đất được tăng lên rất nhiều lần.
Trên thực tế, vấn đề quy hoạch “treo” đã được HĐND TPHCM thực hiện nhiều buổi giám sát, chất vấn, thậm chí ra nghị quyết riêng cho công tác quy hoạch, nhưng tình trạng này vẫn kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ và ngày càng nhức nhối. Trong kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND TPHCM, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên đề nghị HĐND TPHCM tái giám sát công tác quy hoạch trên toàn thành phố. Ông Khuyên cho rằng, vấn đề mấu chốt của các quận, huyện hiện nay, đặc biệt là 5 huyện ngoại thành, chính là công tác quy hoạch, bởi các quy hoạch được lập từ năm 2010 đến nay đã lạc hậu. Chính vì vậy, công tác điều chỉnh quy hoạch cần làm nhanh, không thể để người dân chịu khổ, phải sống trong cảnh “có đất, có nhà, con lớn không được xây nhà đàng hoàng mà phải xây trái phép”.
Tại TPHCM, từ năm 2013 đã phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 với khoảng 600 đồ án. Trong 10 năm qua, TPHCM đã rà soát, điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ nhiều quy hoạch không khả thi để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp về nhà đất cho người dân. Với hàng trăm quy hoạch “treo” rải khắp các quận, huyện trong thời gian qua, TPHCM không chỉ khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu định cư, ổn định của người dân nằm trong khu quy hoạch mà còn phải đối mặt với tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất quý giá.
Liên quan đến việc giải quyết chính sách đất đai cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, chính quyền TPHCM từng ban hành các quyết định 27/2014 và 26/2017, cho phép người dân được xây dựng có thời hạn trong thời gian quy hoạch chưa triển khai để tháo gỡ phần nào khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện các quyết định này thì phải đi kèm rất nhiều điều kiện, như: phải là khu vực chưa có thông báo/quyết định thu hồi đất, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm; phải là công trình/nhà ở có sẵn chứ không được xây dựng trên đất trống, dù là đất ở… |