Sáng 10-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 40 tại Nhà Quốc hội.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp, UBTVQH đã nghe Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày báo cáo về công tác dân nguyện. Báo cáo nêu, cử tri và nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn, cử tri và nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”, ông Hoàng Anh Công nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo báo cáo nêu trên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội; các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây.
Đặc biệt, xe đạp điện đang ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, dễ điều khiển, tuy nhiên, tốc độ di chuyển của loại phương tiện này khá nhanh, trong khi đó hiện nay chưa có quy định về độ tuổi đối với người điều khiển dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, nhất là khi người điều khiển xe đạp điện phần lớn là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giao thông; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm… các vấn đề trên cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm hơn để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cũng theo văn bản nêu trên, trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.297 kiến nghị của cử tri, đã kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong tháng 10 và tháng 11-2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9-2024. Trong đó có nhiều đoàn đông người của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ địa phương, nhằm hạn chế việc các công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên Trung ương.