Đảm bảo quyền bầu cử của học viên cai nghiện ma túy

TPHCM có khoảng 14.000 học viên đang được chăm sóc, chữa trị tại 13 cơ sở cai nghiện ma túy đóng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh. Quyền bầu cử của các học viên sẽ được thực hiện ra sao? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM xung quanh nội dung này.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các cơ sở cai nghiện ma túy đến nay ra sao?

ÔNG LÊ MINH TẤN: - Những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh nơi học viên đang cai nghiện. Sở LĐTB-XH TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo công tác bầu cử. Các cơ sở đều phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử ở địa phương để tiến hành các bước chuẩn bị theo tiến độ và yêu cầu đề ra.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM
Theo đó, tại các cơ sở, sẽ thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để đảm bảo quyền bầu cử của học viên. Các cơ sở đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bầu cử cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và học viên tại các đơn vị. Qua đó, giúp cán bộ và học viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, về quyền bầu cử của mình.

Việc lập danh sách cử tri tại các cơ sở thực hiện như thế nào?

- Các học viên vào cơ sở cai nghiện đều là người trên 18 tuổi, đủ tuổi bầu cử. TPHCM hiện có khoảng 14.000 cử tri là học viên tại 13 cơ sở cai nghiện ma túy. Số lượng học viên có thể biến động theo thời điểm, nên các cơ sở đang viết nháp danh sách cử tri và sẽ niêm yết danh sách ngày 13-4 như quy định. Từ khi danh sách cử tri được niêm yết (ngày 13-4) đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (ngày 22-5), học viên mới đến các cơ sở sẽ được bổ sung vào danh sách cử tri.

Học viên ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân tìm hiểu về các ứng cử viên
trong kỳ bầu cử ĐB ĐBQH khóa XIV, ĐB HĐND nhiệm kỳ 2016-2021
Các cử tri là học viên sẽ bầu ĐBQH và ĐB HĐND ở mấy cấp?

- Hiện TPHCM có khoảng 14.000 cử tri là học viên, là người đang tạm trú trên địa bàn nơi cơ sở chữa bệnh trú đóng. Họ sẽ tham gia bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh, không bầu cử ĐB HĐND cấp huyện và cấp xã. Cụ thể, khoảng 3.500 cử tri là học viên tại 3 cơ sở đóng trên địa bàn TPHCM (Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2, Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu) sẽ bầu ĐBQH và bầu ĐB HĐND TPHCM. Khoảng 10.500 cử tri là học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai sẽ tham gia bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND tỉnh nơi mình đang chữa bệnh.

-Theo ông, các cử tri này có quan tâm nhiều đến mạn đàm về bầu cử, tìm hiểu các ứng cử viên?

- Khi công bố danh sách chính thức các ứng cử viên (chậm nhất ngày 28-4), các cơ sở sẽ niêm yết tóm tắt tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH, HĐND để cử tri tìm hiểu. Như những kỳ bầu cử trước, việc tìm hiểu về các ứng viên, trao đổi về chương trình hành động của ứng viên được các học viên quan tâm, bàn bạc, mong muốn lựa chọn được những người tiêu biểu, làm những việc có lợi cho người dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Quốc hội, cũng như cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương - HĐND.

Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn phức tạp, công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện như thế nào trong kỳ bầu cử?

- Thời gian qua, các cơ sở làm rất tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, các học viên mới đến đều được cách ly theo quy định. Từ nay đến ngày bầu cử (ngày 23-5), việc phòng chống dịch bệnh được chú trọng hơn nữa. Nơi bỏ phiếu có sẵn khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn… phục vụ cử tri. Nói chung, các điều kiện tốt nhất đã và sẽ được chuẩn bị để công tác bầu cử tại các cơ sở diễn ra đúng quy định, dân chủ và an toàn.

Các trại tạm giam ở TPHCM thành lập khu vực bỏ phiếu riêng


Các trại tạm giam ở TPHCM sẽ thành lập khu vực bỏ phiếu riêng. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM. Những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự...  thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Tin cùng chuyên mục