Năm 2023 là năm Việt Nam xuất khẩu gạo ở mức kỷ lục (có khả năng đạt 8 triệu tấn). Để tiếp tục gặt hái thành công, bên cạnh những điều kiện thuận lợi (thương hiệu đã có, nguồn hàng dồi dào…), Bộ Công thương lưu ý các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần thắt chặt hơn nữa mối liên kết trong chuỗi sản xuất; đồng thời sản xuất lúa theo hướng xanh, nâng cao chất lượng để tiếp cận rộng hơn các thị trường khó tính.
Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân 2023-2024, ĐBSCL xuống giống khoảng 1.475.060ha, cao hơn 1% so với diện tích xuống giống năm 2022. Dự kiến, sản lượng lúa đông xuân 2023-2024 sẽ đạt khoảng 10,7 triệu tấn. Đây được xem là nguồn nguyên liệu chủ lực cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024. Hiện Bộ NN-PTNT, các địa phương và hàng loạt doanh nghiệp ở ĐBSCL đang phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất trong vụ đông xuân. Các cơ quan dự báo thủy văn liên tục cập nhật đưa ra những cảnh báo cần thiết về nguồn nước. Ngành nông nghiệp ĐBSCL bám sát kế hoạch lịch thời vụ xuống giống đông xuân theo các khu vực: thượng nguồn, vùng giữa và vùng biển để tránh hạn, mặn cuối vụ.
Dây chuyền sản xuất gạo xuất khẩu hiện đại của Công ty CP Trung An (TP Cần Thơ) |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến tháng 11-2023, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), cho rằng, giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng vì gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu. Gần 200 doanh nghiệp Việt Nam giao dịch trên thị trường thiết lập giá gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Trần Thanh Bình cũng lưu ý, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần hướng đến sản xuất xanh mà thế giới đang áp dụng, đặc biệt là các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Chính vì vậy, các địa phương vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp, HTX và nông dân đang kỳ vọng vào đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, trong tháng 11-2023, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ để thông qua đề án này. Song, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu ĐBSCL triển khai nhanh đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ngay trong vụ lúa đông xuân 2023-2024, trên diện tích 180.000ha, dựa trên diện tích vùng lúa thuộc dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, giải pháp chính để giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân đạt mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030 là bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa phát thải thấp. Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn, 1ha lúa có thể bán được tín chỉ khoảng 10 tấn carbon, tương đương 100 USD.
Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng phế, phụ phẩm từ cây lúa để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Cơ hội và thời cơ đang mở ra với chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tất nhiên, con đường phía trước còn rất dài. Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý: “Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp “siết tay” chặt với các hợp tác xã, nông dân tạo mối liên kết trên cơ sở đầu tư căn cơ vào vùng nguyên liệu, chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân”.
Dù xuất khẩu có nhiều gam màu sáng, song các chuyên gia lúa gạo cũng đưa ra nhiều cảnh báo đối với doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, giá gạo Việt Nam tăng nóng dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều nên đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp có năng lực kinh tế yếu. Đối với những doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ uy tín với đối tác, họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng. Để xuất khẩu trong năm 2024 tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp cộng với vốn tín dụng khó khăn.