Lo ngại sức mua không tăng
Theo các nhà sản xuất và bán lẻ, dù tiêu dùng hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 5,78% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,68%) song sức mua cuối năm có thể tăng nhưng không quá cao như kỳ vọng.
Sở dĩ các DN tỏ ra thận trọng trong dự báo xuất phát từ việc nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố không mấy khả quan, trong đó có cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra vào giữa tháng 9-2024. Chính những biến động này đã và đang khiến người tiêu dùng hiện trở nên thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu, thậm chí họ còn gia tăng độ nhạy cảm về giá. Theo một số DN, sau bão số 3, sức mua tại miền Bắc, miền Trung giảm, sức mua ở TPHCM cũng giảm bởi người tiêu dùng đã gửi tiền về quê hỗ trợ người thân, gia đình và cắt giảm các khoản tiêu xài cho bản thân.
Bên cạnh đó, yếu tố giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng khiến các DN lo lắng sẽ ảnh hưởng tới mùa kinh doanh cuối năm. Chẳng hạn với mặt hàng rau xanh, theo một số DN bán lẻ do mưa kéo dài ở Tây Nguyên và Nam bộ làm hư hại diện tích trồng rau nên một số mặt hàng rau lá tăng giá. Trong khi đó, giá thịt heo cũng rục rịch tăng do bão Yagi đã gây ra những tổn thất nặng nề, gần như xóa sổ các trang trại heo ở miền Bắc, khiến nguồn cung heo thịt ra thị trường giảm. Trong khi đó, sức mua chung trên toàn thị trường gần 1 tháng nay đang chậm lại, do nhiều khu vực trên cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và tập trung tái thiết sau bão, lũ.
Với những mặt hàng thực phẩm khác, theo đại diện Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, do ảnh hưởng xung đột ở các nước, cước phí vận chuyển nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm đối diện sức ép tăng rất lớn. Dù vậy, do sức mua ảm đạm trên thị trường nên DN chưa thể tăng giá sản phẩm, đồng thời lo ngại sức mua trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 có thể không cao.
Quyết tâm bình ổn thị trường
Trước những biến động của thị trường, Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam cho biết đã có phương án bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm và mục tiêu trọng tâm là quyết tâm giữ ổn định giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Là địa phương tiên phong thực hiện bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình năm nay ngoài thu hút số lượng DN tham gia nhiều hơn năm ngoái còn mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Còn tại An Giang, Sở Công thương tỉnh này cho biết, toàn tỉnh có 23 DN chủ lực đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường (tăng trên 53% so năm 2023), với 444 cửa hàng ở các địa phương. Tổng số tiền dự trữ hơn 4.562 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trị giá 954 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 3.608 tỷ đồng. Dự kiến các DN sẽ cung ứng 6.894 tấn gạo, 1.310 tấn thịt heo, 1.118 tấn thịt gà, vịt, 2.741 tấn thủy sản, gần 1,5 triệu trứng gia cầm, 70.437 thùng mì ăn liền, trên 81,1 triệu lít xăng, dầu…
Tương tự, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, với danh mục hàng hóa tham gia gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu và nhóm nhiên liệu. Tổng trị giá hàng hóa dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong 1 tháng khoảng 260 tỷ đồng, trong đó nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 30%-35% nhu cầu thị trường như bánh mứt, kẹo phục vụ Tết và rượu, bia, nước giải khát…
Tham gia tích cực vào việc cung cấp nguồn hàng số lượng lớn cho các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cuối năm và Tết Ất Tỵ từ giữa năm 2024, tập trung vào nhóm hàng, mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp cuối năm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, để có nguồn hàng số lượng lớn, giá tốt, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Saigon Co.op cũng dự báo về cung - cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp. Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp là các hợp tác xã, các DN nhỏ và vừa… sẽ được Saigon Co.op hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng mà ở đó, Saigon Co.op là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sau sản xuất. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để vừa kích cầu tiêu dùng vừa đồng hành cùng DN phát triển thị trường.
Trước đó, trong mùa tết năm 2024, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu được Saigon Co.op chuẩn bị lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20%-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản tết. Đáng chú ý, ngoài nguồn hàng dồi dào, giá ổn định, Saigon Co.op còn chú trọng việc tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống gấp 2-3 lần so với ngày thường để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người dân.
Thông qua sự vào cuộc của những DN sản xuất, phân phối như Saigon Co.op, người dân đã có thể yên tâm một mùa mua sắm an toàn, tiết kiệm mà không lo bị tăng giá đột biến. Do vậy, mùa Tết Ất Tỵ 2025 sắp tới, cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục kỳ vọng nguồn cung hàng hóa dồi dào, thị trường sẽ được giữ giá ổn định.