
Không để dịch phát sinh, lan rộng
Vừa bơm nước vệ sinh trại heo của gia đình, ông Lê Văn Phong, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), vừa cho hay, còn hơn 10 ngày nữa là xuất bán heo thịt cho thương lái cung ứng thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Để đàn heo 300 con phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh, đảm bảo số lượng đã ký hợp đồng với thương lái, mỗi ngày ông Phong và những người trong gia đình thay nhau vệ sinh chuồng nuôi 2 lần, cung cấp đủ thức ăn cho heo.
“Ngoài cám mua từ đại lý, gia đình tôi còn cho heo ăn thêm dừa khô xay, chuối cây để thịt thơm và ngon hơn”, ông Phong chia sẻ. Tổng đàn heo của ấp Phú Lợi Hạ bán ra thị trường tết sắp tới là gần 2.000 con. Hiện Chi hội Nông dân ấp luôn theo dõi, nhắc nhở các hộ chăn nuôi tuân thủ đúng hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật nuôi của ngành chuyên môn.
Ông Đoàn Phan Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ heo rừng Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp), cho biết, đến nay công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong dịp tết với 5.000 hộ nuôi heo ở miền Trung, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo hợp đồng, tất cả hộ nuôi phải đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn cung, heo nuôi không được sử dụng kháng sinh; khuyến khích người dân nuôi heo từ thức ăn rau củ, quả, cỏ và các loại phụ phẩm nông nghiệp.
Ngoài hướng dẫn chủ trang trại, cơ sở nuôi gia súc, gia cầm thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, hiện các địa phương cũng tập trung xử lý nhanh, dứt điểm các ổ dịch, không để lan rộng. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thông tin, ngay sau khi phát hiện trên địa bàn có dịch tả heo châu Phi, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống. Đến nay, 8 huyện có dịch đã khoanh vùng, xử lý triệt để.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã triển khai tiêm 3.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi cho đàn heo ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Cai Lậy.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết vừa yêu cầu UBND các địa phương có đường biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp cơ quan thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm thu gom, giết mổ heo tiếp giáp biên giới, truy xuất nguồn gốc đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tổ chức thống kê, kiểm soát đàn heo của địa phương, đặc biệt là các xã có chung đường biên giới với Campuchia.
Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, vận chuyển trái phép heo qua biên giới. Giao Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) phối hợp các sở, ngành liên quan thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới trên địa bàn tỉnh...
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, chia sẻ, bên cạnh việc khuyến cáo các hộ chăn nuôi heo, gà, vịt đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên…, từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, đơn vị cũng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, chốt chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập, xuất thịt heo ra vào tỉnh nhưng không qua kiểm dịch. Mục đích là để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung gia súc, gia cầm cho thị trường cuối năm.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin, thời điểm cuối năm 2024, tổng đàn heo trên cả nước ước đạt 26 triệu con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thịt heo dự kiến đạt trên 5 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới. Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT dự báo, năm nay tình hình chăn nuôi trong nước ổn định, dịch tả heo châu Phi vẫn tồn tại nhưng không phát triển thành dịch, nguồn cung thịt heo dồi dào nên thị trường cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025 không thiếu thịt heo.
Ngăn chặn thịt nhập “lậu”
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt và thực phẩm có xu hướng tăng cao nên hoạt động nhập lậu heo và gia cầm có xu hướng “nóng” lên. Tại khu vực biên giới phía Bắc, tình trạng thẩm lậu chủ yếu diễn ra với các sản phẩm thịt đã qua giết mổ, nội tạng động vật (hàng đông lạnh). Địa bàn nóng nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Đối với heo nhập lậu, đại diện Cục Chăn nuôi thông tin, khu vực “nóng” nhất vẫn là các tỉnh ở biên giới Tây Nam (Long An, Đồng Tháp, An Giang…) và dọc miền Trung.
Nguồn heo lậu chủ yếu từ Campuchia và Thái Lan. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, mỗi ngày có 6.000-8.000 con heo thịt được nhập lậu qua biên giới, chưa kể số lượng lớn gia cầm thải loại. Tình trạng này không chỉ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh mà còn gây áp lực cho ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng, không chỉ heo mà gia cầm thải loại từ Thái Lan, Campuchia cũng được đưa qua khu vực biên giới Tây Nam vào nội địa.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thịt ngoại với số lượng lớn. Thống kê từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 3-2024, Việt Nam nhập khẩu 32.000 tấn thịt heo. Brazil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan là những thị trường cung cấp thịt heo lớn cho Việt Nam. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất, cung cấp 11.800 tấn thịt heo cho Việt Nam.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng thịt nhập khẩu trong quý 3 năm nay giảm đáng kể, nhưng các chuyên gia cho biết, lượng thịt ngoại thường nhập khẩu mạnh vào Việt Nam trong quý 4 hàng năm. Mặc dù thịt ngoại nhập vào Việt Nam qua đường chính ngạch được cơ quan thú y và hải quan giám sát chặt, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro thịt bẩn và mất an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, với thịt nhập khẩu chính ngạch, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt để kiểm soát chất lượng. Sau khi Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ tháng 5-2024, đến nay, cơ quan thú y đã phát hiện 55 lô hàng nhiễm vi khuẩn Salmonella trên tổng số 6.679 lô xét nghiệm. Nếu không kiểm tra kỹ lưỡng, hơn 1.300 tấn thịt nhiễm khuẩn trong số lô phát hiện có thể đã được tiêu thụ, gây nguy cơ lớn đến sức khỏe người dân.
Để bảo vệ ngành chăn nuôi nội địa, Bộ NN-PTNT đã triển khai các biện pháp chống buôn lậu và hợp tác với tham tán thương mại các nước nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu không có chính sách dài hạn, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng phụ thuộc quá mức vào nguồn cung từ nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi; đồng thời giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép heo, sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam…