Trữ lượng cát khá lớn
Hồ chứa nước Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia, được xây dựng từ năm 1981 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1985, với quy mô công trình hồ chứa cấp đặc biệt, dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước hồ là 270km2 (ứng với cao trình mực nước dâng bình thường +24,40m, chiều cao đập chính 28m, chiều cao đập phụ 6-8m). Hồ chứa có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, tích và cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TPHCM.
Trữ lượng cát trong lòng hồ Dầu Tiếng được đánh giá là khá lớn với khoảng 17 triệu m3; đồng thời được xem là có chất lượng cát xây dựng tốt nhất so với các điểm khai thác khác ở khu vực các tỉnh phía Nam. Từ năm 2010 đến nay, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã cấp 22 giấy phép các loại (giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi…) hoạt động khai thác trong lòng hồ Dầu Tiếng với tổng công suất khai thác cát hơn 803.000m3/năm, trong đó: tỉnh Tây Ninh có 14 giấy phép khai thác khoáng sản, hiện đang có 11 giấy phép đang hoạt động, công suất khai thác hơn 385.000m3/năm; tỉnh Bình Dương có 7 giấy phép khai thác khoáng sản, công suất khai thác 388.000m3/năm; tỉnh Bình Phước có 1 giấy phép khai thác khoáng sản, công suất 30.000m3/năm.
Cần có đánh giá kỹ lưỡng
Theo ước tính, dự án Vành đai 3 TPHCM cần 1,6 triệu m3 đất đắp, 7,2 triệu m3 cát đắp, hơn 1,4 triệu m3 cát xây dựng, 4,4 triệu m3 đá xây dựng; trong đó, về nguồn cát đắp, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung. Tại hồ Dầu Tiếng, sau thời gian khai thác, lượng cát hiện còn khoảng gần 10 triệu m3, có thể đáp ứng được nhu cầu làm đường Vành đai 3 TPHCM (ước tính khoảng 8,6 triệu m3 cát xây dựng và san lấp). Và để tạo nguồn cát phục vụ dự án này, ngành chức năng có thể phải tính đến phương án giảm công suất, thời gian khai thác của các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, cùng đó là tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn triệt để việc khai thác cát lậu tại đây, tập trung nguồn cát cho dự án hạ tầng giao thông quan trọng của cả vùng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (đơn vị quản lý, vận hành hồ Dầu Tiếng), để việc khai thác cát trong hồ chứa không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính là tích, cấp nước phục vụ sản xuất đảm bảo số lượng, khối lượng và chất lượng sau gần 40 năm đưa công trình vào vận hành khai thác, cần phải có đánh giá tổng thể, xây dựng đường chuyên dùng ven hồ, đánh giá lại trữ lượng bồi lắng lòng hồ để làm cơ sở điều chỉnh quy trình vận hành; đồng thời đánh giá ngưỡng, độ sâu khai thác, đưa ra các giải pháp khai thác, nạo vét bùn cát an toàn, hiệu quả nhằm tăng dung tích và tuổi thọ công trình. Cùng đó, ngành chức năng cũng cần lập kế hoạch khai thác phù hợp diễn biến mực nước hồ, đảm bảo an ninh, an toàn đập, hồ chứa nước tránh gây sạt lở, ảnh hưởng kết cấu đáy hồ, chất lượng nước để đảm bảo hài hòa các mục tiêu. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, cát là vật liệu không tái tạo nên cần khảo sát đánh giá kỹ địa tầng, vùng, kích cỡ cát để bố trí vào kết cấu hạ tầng giao thông cho phù hợp, tránh lãng phí trong điều kiện cát xây dựng khan hiếm như hiện nay. Đặc biệt, việc khai thác cát trong hồ chứa là mục tiêu kết hợp, cần được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác, vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa tận thu được nguồn vật liệu khoáng sản cát xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Đông Nam bộ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, sắp tới, dự kiến sẽ có cuộc hop giữa các tỉnh ven hồ Dầu Tiếng và TPHCM để đánh giá đúng mức về khai thác cát làm đường Vành đai 3 TPHCM. Do cát trong lòng hồ Dầu Tiếng có chất lượng rất tốt, chủ yếu dùng cho xây dựng, có giá thành cao, nên cần phải có đánh giá kỹ, vùng nào là cát san lấp, vùng nào là cát chất lượng cao xây dựng nhà cửa, công trình. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT đánh giá lại toàn bộ, kể cả cát trên sông, để có đầy đủ dữ liệu về nguồn cát làm đường, từ đó mới có các thông tin cụ thể.