Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, rất lo lắng về chuyện thiếu vật liệu - thiếu cát xây dựng các tuyến cao tốc trọng điểm trong vùng. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, nhà thầu và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL chỉ ra nguyên do chậm tiến độ thi công. Phải tìm nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn, có giải pháp xoay chuyển, giữ đúng tiến độ thi công các công trình cao tốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang khảo sát tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông |
Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL có 4 dự án trọng điểm với tổng chiều dài là 355km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỷ đồng. Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án.
Đối với vật liệu cát, theo số liệu khảo sát đến thời điểm hiện tại, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng; là các tỉnh có nguồn cát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các dự án.
Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giao chỉ tiêu cho các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp ,Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tổng nhu cầu cát cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,1 triệu m3. Trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9,0 triệu m3. Đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 28,91 triệu m3. Trong đó năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3, năm 2025 cần 8,95 triệu m3.
Thi công trụ cầu vượt Quốc lộ 61 trên địa bàn huyện Vị Thủy - Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 |
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: “Địa phương rất lo lắng về thiếu vật liệu (cát). Người dân băn khoăn đường thì đã ủi nhưng chưa thấy thi công. Rất mong có cơ chế phối hợp giữa các địa phương, nhà thầu để sớm cung cấp vật liệu cát xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh”.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long đã dành khá nhiều thời gian để nói về câu chuyện khai thác các mỏ cát, khó khăn vướng mắc của địa phương. Trong đó, ý kiến của ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, hiện địa phương còn lúng túng trong xử lý thủ tục để các mỏ cát bị đóng cửa mở khai thác lại; địa phương cần sự hỗ trợ để đánh giá tác động môi trường tổng thể của các mỏ trên các trục sông Tiền, sông Hậu. Vì hiện nay biến đổi khí hậu, sạt lở đang tác động lớn đến người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ giải quyết rốt ráo các vấn đề thủ tục trong tháng 9-2023, để các mỏ cát đủ điều kiện đi vào khai thác đảm bảo cung cấp đủ nguồn cát theo cam kết trước đây. “Địa phương băn khoăn và không dám cam kết 100% nguồn cát được khai thác ở các mỏ đi đến nơi về đến chốn. Chính vì vậy cần thành lập tổ công tác liên ngành để giám sát quá trình khai thác, cung cấp nguồn cát cho các dự án giao thông trọng điểm”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các địa phương ĐBSCL: "Cần phải đảm bảo cung đủ nguồn vật liệu cát cho đơn vị thi công, nhưng cũng phải thận trọng đánh giá tổng thể các tác động môi trường, nhất là không để xảy ra sạt lở, để cân bằng trong sự phát triển của ĐBSCL”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ ngành cùng các địa phương phải phối hợp với nhà thầu, điều phối linh động để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc. Trong đó, 3 địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long phải đảm bảo cung cấp số lượng cát như cam kết trước đây. Sẽ thành lập tổ công tác để phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại ĐBSCL. Không thể để tình trạng họp đi họp lại mà không giải quyết được vấn đề.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, khi các bộ ngành, địa phương và nhà thầu phối hợp chặt chẽ, quyết liệt vào cuộc sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.