Tuy nhiên, nếu căn cứ vào lý do thứ 3, dự thảo cần phải cân nhắc khi đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm. Theo kinh nghiệm quốc tế, xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thì thời giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo thì thời giờ làm việc càng dài; nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp, và ngược lại; số giờ làm việc của NLĐ cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kinh tế, xã hội, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...
Cụ thể, các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD/năm thì thời giờ làm việc của NLĐ là 1.600 - 2.400 giờ/năm; các nước có thu nhập bình quân đầu người 20.000 - 40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là 1.600 - 2.300 giờ/năm; các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là 1.400 - 1.800 giờ/năm. Các nước có năng suất lao động (GDP cho mỗi giờ làm việc) cao như Na Uy (>= 100 USD/giờ) thì NLĐ làm việc chỉ 1.400 giờ/năm; ngược lại các nước năng suất thấp (= 0 - 20 USD/giờ như Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia) thì NLĐ làm việc lên đến 2.000 - 2.400 giờ/năm.
Hiện nay, NLĐ Việt Nam đã có số thời giờ làm việc quá nhiều. Cụ thể, giờ làm việc tiêu chuẩn bình thường ở Việt Nam đã là: 8 (giờ) x 26 (ngày/tháng) x 12 tháng = 2.496 giờ/năm. Nay, dự thảo luật đề xuất tăng thêm tối đa 400 giờ (tổng cộng là 2.896 giờ/năm) với tiền lương làm thêm giờ cao hơn ít nhất 150%, 200% cho đến 300%, phải chăng đây là cách duy nhất để tính tăng năng suất lao động theo kinh nghiệm quốc tế?
Vấn đề khác, nếu căn cứ theo Bộ tiêu chuẩn SA8000 - tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua hàng về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp quy định: mỗi tuần NLĐ làm việc 48 giờ tiêu chuẩn + 12 giờ làm thêm, hoặc làm thêm 48 giờ/tháng, thì có nhất thiết Bộ luật Lao động phải tiếp cận và sửa đổi giờ làm thêm theo tiêu chuẩn này? Trong thực tế, đại bộ phận lao động có thu nhập thấp nên mới cần phải làm thêm.
Như vậy, gốc của vấn đề ở đây là tiền lương tối thiểu cần phải xác định đúng hơn, theo tiêu chí bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ khi NLĐ làm việc đúng theo giờ tiêu chuẩn mà không phải làm thêm. Việc làm thêm chủ yếu dành cho tích lũy khi NLĐ có nhu cầu. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá rõ hơn tác động của việc tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, an toàn lao động trước mắt cũng như lâu dài; ảnh hưởng đến sự thụ hưởng văn hóa tinh thần của NLĐ cũng như những hệ lụy khác về mặt xã hội đối với NLĐ.