Theo các chuyên gia, biển Vũng Tàu có nhiều ao xoáy, di chuyển liên tục theo dòng chảy gây nguy cơ đuối nước rất cao cho du khách tắm biển. Chỉ trong 3 năm, từ 2019-2021, toàn tỉnh xảy ra gần 600 vụ đuối nước, trong đó, khu vực Bãi Sau thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước với hơn 300 ao xoáy kéo dài từ mũi Nghinh Phong đến khu du lịch Long Cung.
Thực tế cho thấy, sự an toàn của du khách tắm biển gần như phụ thuộc vào nguồn nhân lực cứu hộ của Trung tâm Quản lý và hỗ trợ du khách TP Vũng Tàu cùng nhân viên của doanh nghiệp du lịch. Tuy vậy, lực lượng quan trọng này khá mỏng với vỏn vẹn 25 người, trong đó ứng trực tại 2 đài khu vực tắm biển công cộng là 18 người, còn lại 7 người đi tuần tra và ứng trực trên khu vực kéo dài hàng chục kilômét. Sắp tới, khi TP Vũng Tàu thực hiện chủ trương thu hồi 28ha ở Bãi Sau, thì có thêm 2km bờ biển cần phải bố trí lực lượng cứu hộ.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực cứu hộ bờ biển, UBND TP Vũng Tàu đã có văn bản phê duyệt phương án bố trí mỗi 50m bờ biển có một nhân viên cứu hộ túc trực. Nguồn nhân lực được đưa về từ các doanh nghiệp bị thu hồi đất với 41 nhân viên cứu hộ và 4 y sĩ. Trong thời gian chờ tuyển dụng chính thức, Trung tâm Quản lý và hỗ trợ du khách TP Vũng Tàu tạm thời điều động 6 nhân viên cứu hộ và 1 y sĩ ứng trực tại các khu vực để đảm bảo an toàn cho du khách.
Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân viên cứu hộ đang gặp khó vì công việc vất vả nhưng mức lương chưa tương xứng. Công việc cứu hộ có đặc thù làm việc 16 giờ/ngày và nhân viên phải dậy từ 5 giờ sáng, đi khảo sát ao xoáy, cắm cờ. Làm việc đến 19 giờ mới hết ca, nhưng các nhân viên vẫn phải đi tuần tra kiểm soát người tắm biển, buôn bán hàng rong, xả thải và với mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng, phụ cấp 7% độc hại nguy hiểm (300.000 đồng/người) thì tổng thu nhập mỗi người chỉ hơn 4,5 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và hỗ trợ du khách TP Vũng Tàu, cho biết, để có những bãi tắm an toàn, dứt khoát ban quản lý các bãi biển phải có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, mô tô nước, bình ôxy… để kịp thời cứu người và các dự án du lịch ven biển phải tăng cường lực lượng tuần tra, chốt trực, nhắc nhở, ngăn chặn không để du khách tự ý tắm biển khi dự án chưa đi vào hoạt động.