Đây là lần thứ 2, người đứng đầu chính quyền TPHCM tiếp xúc, đối thoại người dân Thủ Thiêm nhằm tìm kiếm tiếng nói chung để sớm giải quyết dứt điểm các khiếu kiện liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm.
Phối hợp, chia sẻ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân
Tham dự buổi đối thoại có 35 hộ dân thuộc các phường Bình An, Bình Khánh (quận 2).
Tại buổi tiếp dân, đại diện tổ công tác liên ngành của thành phố nêu ra 10 nội dung cần điều chỉnh trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Thủ Thiêm để xin ý kiến người dân.
Tuy nhiên, ngay khi kết thúc, một số người dân lập tức phản ứng, cho rằng kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ theo Thông báo 1483 (gọi tắt là Kết luận 1483) chưa đề cập hết những vấn đề người dân Thủ Thiêm khiếu nại. Người dân đề nghị phải xem xét lại thấu đáo, toàn diện vấn đề.
Theo bà Nguyễn Thị Hà (phường Bình An), Kết luận 1483 mới xác định 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch, trong khi hồ sơ khiếu nại, tố cáo của người dân Thủ Thiêm thì tổng cộng có 5 khu phố ở 3 phường nằm ngoài ranh, bao gồm: khu phố 1, 2 phường Bình Khánh; khu phố 5, 6 phường An Khánh và khu phố 1 phường Bình An. Do đó, chính quyền thành phố không được sử dụng Kết luận 1483 - chỉ kết luận một số nội dung để giải quyết cho tất cả.
Một người dân khác bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng có tình trạng né tránh, đùn đẩy giải quyết vấn đề Thủ Thiêm khiến sự việc cứ kéo dài.
Ở một khía cạnh khác, người dân còn đề nghị phải tiến hành khởi tố hình sự, truy cứu trách nhiệm, xử lý rõ ràng những cá nhân sai phạm thì mới góp phần giải quyết dứt điểm khiếu kiện dai dẳng của người dân.
Tại buổi tiếp dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương bày tỏ, người dân Thủ Thiêm có hơn 20 năm khiếu nại thì ông đồng hành với bà con trong 9 năm.
Theo ông Điệp, trong quá trình thực hiện Kết luận 1483, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị khi nhận thấy quá trình thực hiện có những nội dung mới hoặc chưa đúng, chưa phù hợp.
“Tôi không ngại, bà con nói gì tôi thấy đúng thì tôi cũng báo cáo, đề xuất đầy đủ”, ông Điệp cam kết và bày tỏ mong muốn có sự phối hợp, chia sẻ của bà con trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân để chính quyền thành phố giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm.
Về các ý kiến cho rằng có 5 khu phố nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, ông Điệp khẳng định sẽ có báo cáo để xác định cụ thể, từ đó có biện pháp giải quyết.
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cũng cam kết ghi nhận đầy đủ ý kiến của người dân. Do việc này nằm ngoài thẩm quyền nên UBND TP sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, nêu rõ nguyện vọng và ý kiến của người dân, đề nghị Thanh tra Chính phủ có nghiên cứu, giải quyết.
“Tinh thần hôm nay là lắng nghe để xử lý. Còn xử lý vấn đề như thế nào, trong quá trình xem xét làm việc, tôi sẽ báo cáo lại bà con”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Không dung túng việc phương hại người dân
Trả lời câu hỏi của người dân “Chủ tịch UBND TP có thực tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm hay không”, người đứng đầu chính quyền TPHCM bộc bạch: “Nếu không mong muốn sớm giải quyết thì tôi đã không tổ chức các buổi tiếp dân và ngồi lắng nghe cặn kẽ ý kiến của bà con cô bác. Vì giải quyết vấn đề Thủ Thiêm sẽ đảm bảo quyền lợi, giải quyết đời sống bà con và giải quyết vấn đề phát triển của thành phố”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong tuần tới sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại (lần 3) với người dân Thủ Thiêm ở 3 phường còn lại. Cùng đó, UBND TP tập trung vào 2 vấn đề lớn, gồm: lắng nghe ý kiến người dân để hoàn chỉnh, bổ sung các chính sách bồi thường tái định cư và liên quan đến việc giao đất cho dự án ở khu đất 160ha tái định cư. Hiện nay, UBND TP đã chỉ đạo khẩn trương thành lập các tổ công tác đưa ra khoảng 10 vấn đề xung quanh bồi thường, tái định cư và lấy ý kiến của người dân.
Liên quan đến 160ha tái định cư, tổ công tác đang khẩn trương rà soát để xác định rõ sai chỗ nào, trách nhiệm thuộc về ai. Cái nào sai thì phải sửa và liên quan đến từng trách nhiệm của cá nhân thì phải xử lý nghiêm khắc.
“Đảng không dung túng cho tham nhũng, nhũng nhiễu phương hại lợi ích của người dân. Tôi cam kết và xin nói rõ ràng như thế”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cam kết sẽ làm hết sức mình, hết trách nhiệm vì lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm và có chính sách đền bù để giải quyết thiệt thòi cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Kết luận 1483 nêu các sai sót trong quá trình thực hiện quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Thực hiện kết luận này, một mặt UBND TP chủ động làm việc với các bộ - ngành, thậm chí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để hệ thống các chính sách hỗ trợ, chăm lo lợi ích cho người dân Thủ Thiêm.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM thông tin, khi triển khai quy hoạch tổng thể mặt bằng KĐTM Thủ Thiêm, thành phố đã tổ chức thi tuyển quốc tế và có một đơn vị được chọn. Trên cơ sở quy hoạch, Thủ tướng mới phê duyệt quy hoạch tổng thể KĐTM Thủ Thiêm. Hiện nay, quá trình xây dựng, phát triển Thủ Thiêm không có động thái nào khác đi ngoài quy hoạch đó.
“Quy hoạch Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Cơ quan, cá nhân nào làm không đúng là không thể chấp nhận được”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Về các ý kiến cho rằng Kết luận 1483 chỉ “mang tính chất nội bộ” nên cần có cuộc thanh tra toàn diện về quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin Thanh tra Chính phủ đang hoàn chỉnh bản kết luận này.
Riêng những trường hợp cụ thể phản ánh quá trình thu hồi đất có phát sinh hành động chưa đúng, Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định sẽ yêu cầu báo cáo cụ thể, trường hợp phản ánh của người dân là đúng thì phải tổ chức xin lỗi dân.
Lấy ý kiến bổ sung chính sách cho người dân Thủ Thiêm Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết, qua rà soát cho thấy nổi lên 10 vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần lấy ý kiến người dân Thủ Thiêm để hoàn thiện. Cụ thể: 1. Điều chỉnh thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong KĐTM Thủ Thiêm, đề nghị tính theo quyết định thu hồi đất (từ ngày 10-5-2002). 2. Hỗ trợ chi phí bồi thường và tái định cư với hộ dân có đất tự khai phá, tạo lập sử dụng, sở hữu tư nhân có thời điểm sử dụng thành đất ở từ ngày 16-9-1998 đến 10-5-2002. 3. Hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15-10-1993 đến trước 16-9-1998. 4. Hỗ trợ đối với trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, thời điểm mục đích sử dụng đất ở từ ngày 16-9-1998 đến 10-5-2002. 5. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh, thời điểm chuyển mục đích thành đất ở trước ngày 15-10-1993. 6. Hỗ trợ các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý, với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh, thời điểm chuyển mục đích thành đất ở từ 15-10-1993 đến ngày 10-5-2002. 7. Nhà ở, đất ở bị giải tỏa một phần. 8. Đối với các trường hợp đã chuyển mục đích mà không trực tiếp ở, cho người khác ở nhờ, cho thuê thì trước đây nhóm này tính là đất nông nghiệp không dùng để ở, UBND quận 2 đề nghị TP xem xét, điều chỉnh. 9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ trong khuôn viên đất ở. 10. Xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp tự chuyển mục đích thành đất ở sau ngày 10-5-2002. Chủ tịch UBND quận 2 NGUYỄN PHƯỚC HƯNG |