Đây là khẳng định của lãnh đạo Sở Công thương và các doanh nghiệp (DN) chủ lực của TPHCM về công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngành công thương TPHCM đã kích hoạt kế hoạch đáp ứng cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường (BOTT) trong điều kiện vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế. Theo đó, TP triển khai việc liên kết với 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung - cầu và BOTT theo chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công thương. Cụ thể, mỗi ngày có gần 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng; các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các DN chủ lực đảm nhiệm 30% còn lại. Ngoài ra, sản lượng thịt heo cung ứng hàng ngày khoảng 700 tấn; 800 - 900 tấn thủy hải sản; gần 1 triệu quả trứng và 250.000 con gia cầm các loại, đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải đưa ra các biện pháp mạnh như hạn chế phương tiện giao thông, thực hiện cách ly 21 ngày đối với trường hợp đến từ vùng dịch như TPHCM đã tác động tới tâm lý người dân cũng như DN. Liệu có xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”? Thực tế, cho đến nay chưa ghi nhận tình trạng hàng hóa từ các tỉnh vào TP bị ách tắc và ngược lại. Đảm bảo giao thương hàng hóa kịp thời và thông suốt được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác điều hành của lãnh đạo TPHCM cũng như các bộ, ngành.
Ở góc độ địa phương, Sở Công thương TPHCM phối hợp Sở GTVT cấp giấy phép cho xe vận chuyển hàng hóa BOTT được vào khu vực cách ly để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân. TP cũng có cơ chế hỗ trợ cho các xe vận chuyển hàng hóa BOTT được lưu thông liên tục trên địa bàn (24/24). Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TP, yêu cầu 100% tài xế phải dùng smartphone để khai báo y tế trực tuyến, đo thân nhiệt và thường xuyên xét nghiệm, khử trùng xe, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu từ cơ quan chức năng về phòng chống dịch.
Ở góc độ sản xuất, phân phối, các DN đang chủ động nhiều biện pháp để thích ứng tốt nhất với bối cảnh hiện nay như tăng cường kết nối với các cơ quan chức năng để tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc. Hợp tác tốt với các vùng nguyên liệu, tăng dự trữ hàng hóa tại kho trung chuyển từ 30%-40% so với bình thường, đẩy mạnh kết nối với các sàn thương mại điện tử để bán hàng online, qua điện thoại, zalo, trang web, phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng.
Khó khăn còn chồng chất, song không thể phủ nhận, các DN đã thiết lập một trạng thái mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Đây chính là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thêm dư địa đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.