Chủ động nguồn hàng
Theo đánh giá của ngành chức năng các tỉnh, thành Đông Nam bộ, rút kinh nghiệm về cung ứng hàng hóa trong thời điểm bùng phát của đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, các tỉnh, thành đều đã có phương án để trong dịp Tết Nhâm Dần sắp tới sẽ không thiếu hàng hóa.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú, những năm trước, thời gian này, Sở Công thương đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết nhưng năm nay, do điều kiện khó khăn về việc đi lại nên sở và các đơn vị cung ứng phải làm việc với Sở Công thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết để báo cáo UBND TPHCM. Theo ông Tú, Sở Công thương cam kết việc cung ứng hàng hóa Tết cho người dân sẽ đảm bảo đầy đủ.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo Sở Công thương tỉnh này, thời gian qua đơn vị đã chủ động phối hợp với sở ngành, địa phương liên quan thực hiện việc kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… Trong đó, có chương trình phối hợp giữa Sở Công thương, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh nhằm kết nối tiêu thụ thực phẩm bình ổn giá - thực phẩm vùng xanh. Đặc biệt, từ đầu tháng 8 đến nay, sở đã làm đầu mối liên hệ, hỗ trợ kết nối 3 tổng công ty (Tín Nghĩa, Dofico, Sonadezi) về nguồn cung hàng hóa các điểm bán hàng thiết yếu cho người dân. 3 tổng công ty đã mở nhiều điểm bán hàng bình ổn giá ở các địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch, những tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán 2022, sở sẽ triển khai chương trình bình ổn giá; xây dựng phương án kết nối cung cầu phù hợp; chuẩn bị kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tại Bình Dương, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành công thương tỉnh đang tập trung theo dõi tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, sở đang xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường hàng thiết yếu năm 2022; trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên tổ chức trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Kênh phân phối giữ vai trò ổn định giá
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ đang bước vào giai đoạn phục hồi và chỉ trong vòng 1 tháng “bình thường mới”, chuỗi cung ứng hàng hóa tại các địa phương này đã dần phục hồi trở lại như thời điểm trước dịch.
Điển hình là TPHCM, hiện lưu thông hàng hóa với các tỉnh đã dần thuận lợi hơn và cơ bản hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đã mở cửa trở lại theo hướng an toàn. Nhờ đó, cung ứng hàng hóa cho TPHCM được ổn định và từng bước thích ứng với “bình thường mới”.
Tuy vậy, theo Bộ Công thương, gần đây khi giá nguyên vật liệu thế giới và xăng dầu tăng đã tác động tới giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng. Trong khi, dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Do đó, nhằm ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là với mặt hàng thịt heo. Trong đó, nhấn mạnh kênh phân phối sẽ tiếp tục là đầu mối quan trọng để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho người dân. Từ đó, Bộ Công thương đã có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bộ Công thương còn triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch - Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia”.
Nắm bắt những chủ trương này, các nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Big C, Aeon Việt Nam… khẳng định đều đã làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng từ lương thực, thực phẩm cho tới hàng tiêu dùng thiết yếu. Không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa, các nhà bán lẻ cho biết còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá do thấu hiểu áp lực chi tiêu của người dân trong mùa dịch.
Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op với hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… phủ khắp các tỉnh, thành Đông Nam bộ nên đã ký hợp đồng, cam kết với các đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương để đảm bảo nguồn cung ổn định trong thời gian dài, hỗ trợ sản xuất lâu dài cho nông dân, ổn định tiêu thụ, chất lượng, giá cả. Chẳng hạn với các mặt hàng nhu yếu phẩm gồm: gạo, đường, dầu ăn, hạt nêm, mì gói, nước suối, đồ hộp, giấy vệ sinh... đã được Saigon Co.op ký hợp đồng cùng nhà cung cấp số lượng lớn đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong vài tháng. Chính sự chủ động của Saigon Co.op đã góp phần giữ ổn định giá cả hàng hóa cũng như đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân ở các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ.
Gần đây, giá thực phẩm, đặc biệt là nhóm rau củ quả có chiều hướng tăng mạnh do nguồn cung giảm, mưa bão kéo dài, giá xăng dầu điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ ảnh hưởng nào tới giá cả các mặt hàng này tại hệ thống Co.opmart và Co.opXtra của Saigon Co.op. Để có được sự ổn định giá các mặt hàng như rau củ, trái cây là cả một nỗ lực của đơn vị bán lẻ này trong mối hợp tác, gắn kết với nông dân và các hợp tác xã suốt nhiều năm qua. |