Sẽ không có chuyện “công trình đắt, giá đất rẻ”
Cho rằng vốn đầu tư dự án PPP thực chất là đầu tư công, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) yêu cầu phải thực hiện kiểm toán dự án PPP đúng với quy định của Luật Kiểm toán. “Ngay từ đầu, nếu làm tốt việc kiểm toán sẽ không có chuyện BOT lạc vị trí kiểu như làm đường tránh nhưng lại đặt trạm trên quốc lộ 1 khiến người dân phản ứng”, ĐB Phương nhận định. Yêu cầu kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả của công trình, theo ĐB này, là hết sức quan trọng để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, không để nhà đầu tư chịu thiệt thòi, xóa bỏ những nghi kỵ cũng như không để xảy ra tình trạng tiêu cực dẫn đến phải xử lý cán bộ. Chia sẻ quan điểm của ĐB Bùi Văn Phương, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc đến tình trạng tiêu cực xảy ra tại một công ty của Nhật Bản mới đây và khẳng định việc kiểm toán chặt chẽ các dự án PPP sẽ giúp hạn chế tình trạng “bôi trơn dự án”.
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Quốc hội đang bàn về PPP ở thời điểm 100 năm có một. Dịch Covid-19 đang khiến đất nước đối diện với rất nhiều khó khăn. Chúng ta đang tái khởi động lại nền kinh tế và việc hết sức quan trọng là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khi nguồn lực của cả Nhà nước lẫn tư nhân đều suy giảm. Rủi ro cao hơn rất nhiều, cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều. Do đó, cần thiết kế dự thảo luật theo hướng dỡ bỏ rào cản nhiều hơn, phối hợp hài hòa hơn. Theo ĐB Lộc, với tinh thần như thế, dự thảo không nên chỉ tập trung cho dự án lớn, không nên quy định quy mô tối thiểu mà “nên nâng niu cả dự án nhỏ”, không để doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng ngoài cuộc chơi.
Các lĩnh vực cho phép áp dụng PPP cũng không nên khuôn lại chỉ trong 5 loại như dự thảo mà chỉ nên coi 5 loại này là “ưu tiên” và trao quyền cho địa phương, nhà đầu tư lựa chọn dự án phù hợp với điều kiện cụ thể.
Phát biểu giải trình thêm về dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, nếu chỉ nghiêng về vấn đề của Nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia. Nhưng chỉ nghiêng về vấn đề của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của Nhà nước thì cũng không được. Khẳng định cơ chế chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu là cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của luật PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải thêm, chỉ khi giảm doanh thu dưới 75% dự toán thì Nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng (thời hạn thu, mức thu), nếu vẫn không được thì Nhà nước mới chia sẻ và mức chia là 50-50. Còn tăng doanh thu lên trên 125% thì dù bất kể lý do nào phần tăng thêm cũng được chia 50-50 giữa Nhà nước với nhà đầu tư.
Về vấn đề kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án PPP có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công - tư nên không hẳn là dự án đầu tư công. Thống nhất cần có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo chỉ quy định kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước và một số nội dung để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và giá trị. Nhà đầu tư tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa hai bên. Về các dự án BT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là vấn đề trong quá trình soạn thảo còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay, BT không còn hình thức trả bằng tiền, chỉ còn mỗi hình thức trả bằng đất. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ĐBQH cân nhắc kỹ, nếu điều chỉnh cả hình thức BT trong luật này phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ để tránh tình trạng “công trình đắt, giá đất rẻ”.
Vẫn giữ Quỹ Phòng chống thiên tai
Chiều 28-5, báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, một số ĐBQH đề nghị bổ sung một số loại hình thiên tai như “sương giá”, “triều cường”, “dông lốc”, “lún sụt”, “cháy rừng do tự nhiên” để chủ động phòng chống. “Tiếp thu ý kiến ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng là loại hình thiên tai đặc thù. Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở mức độ nào thì được điều chỉnh bởi Luật PCTT. Tuy nhiên, “sương giá”, “triều cường”, “dông lốc”, “lún sụt” là các dạng thể hiện của các loại hình thiên tai đã được quy định trong luật nên không bổ sung”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải trình.
Cho rằng giải thích này chưa thực sự thỏa đáng, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) phản ánh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tại địa phương này đã xuất hiện những hiện tượng như sạt lở, sụt lún đất nhưng là do hạn hán chứ không phải do “dòng chảy” như định nghĩa trong dự thảo luật. “Những hiện tượng này đã được Bộ TN-MT; Bộ NN-PTNT xác nhận là hệ quả thiên tai, gây chia cắt địa hình, đe dọa tính mạng và cuộc sống của nhân dân địa phương. Đề nghị dự thảo luật bổ sung vào cho rõ”, ĐB Yến Linh kiến nghị.
Về nội dung được nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm là quy định về Quỹ PCTT, mặc dù có ý kiến cho rằng không nên thành lập quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách không lớn, đồng thời đã có các tổ chức huy động và tiếp nhận, song Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải trình: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thành lập Quỹ PCTT Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp từ nước ngoài và điều tiết từ Quỹ PCTT cấp tỉnh là cần thiết”.
Cảnh báo nợ công tăng, áp lực trả nợ ngày càng cao Chiều cùng ngày, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018. Theo đó, bội chi NSNN bằng 2,8% GDP. Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dư nợ công đến 31-12-2018 là 3.232.411 tỷ đồng, bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ chính phủ 2.767.229 tỷ đồng, bằng 49,9% GDP thực hiện. “Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng, tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN, trong đó chi trả nợ lãi 104.443 tỷ đồng, bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và bằng 68,2% bội chi NSNN năm 2018”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý. |