Ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến lập pháp này của Chính phủ, ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, dự án đã thể hiện tư duy hành động quyết liệt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc thể chế để phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
“Năm 2016-2017 chúng ta đã từng có đề xuất sửa đổi một loạt các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhưng chưa thành công. Bây giờ, với sự đồng lòng, phối hợp nhịp nhàng của cả Chính phủ và Quốc hội, việc thông qua được dự án luật này có ý nghĩa rất lớn, tạo ra tiền lệ tốt trong công tác lập pháp”, ĐB Phan Đức Hiếu nhận định.
Trong số các nội dung cụ thể, ĐB bày tỏ đồng tình với nội dung sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp về doanh nghiệp quốc phòng - an ninh (DN QP-AN).
“Hiện nay DN QP-AN phải là DNNN, do Bộ Quốc phòng trực tiếp sở hữu, nhưng hiện nay xu hướng tổ chức doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - con rất phát triển để tiết giảm chi phí, chia sẻ rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động, thay vì đồng loạt dàn hàng ngang các công ty đồng cấp. DNNN cũng thế, nhưng nếu cơ cấu lại thì, theo quy định hiện hành, lại không còn là DN QP-AN nữa. Sửa luật lần này là cần thiết. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn là có sợ các DN “con” lạm dụng các ưu đãi dành cho DN QP-AN hay không. Tôi cho không ngại vì Chính phủ đã có nghị định 2 “lớp” khi xét công nhận là DN QP-AN. Cho dù đủ điều kiện theo Luật thì chưa đương nhiên được công nhận, mà còn phải được Thủ tướng xem xét, ra quyết định”.
Chia sẻ quan điểm của ĐB Phan Đức Hiếu, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bổ sung, việc ban hành dự án “1 luật sửa 8 luật” sẽ góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ tốt hơn “gói” hỗ trợ, giúp cho Chương trình hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế (mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp này) sớm phát huy hiệu quả.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư về đất xây dựng nhà ở thương mại (bản chất là sửa Luật Nhà ở), ông Ngô Trung Thành bày tỏ đồng tình dự thảo sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án.
Theo dự thảo sửa đổi, nhà đầu tư có 1 trong các quyền sử dụng đất (gồm quyền sử dụng đất ở hợp pháp; quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở); mà các diện tích đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ được phép triển khai dự án xây dựng nhà ở thương mại với điều kiện được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.
ĐB Ngô Trung Thành nói: “Sửa như dự thảo là rất hợp lý. Quan trọng nhất là có quy hoạch, có kế hoạch. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Với quy định này, các loại đất khác (không phải đất ở) khi chuyển thành đất ở sẽ tạo ra chênh lệch giá rất lớn, rất dễ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. Mặt khác, quy định này còn liên quan đến Luật Đất đai và các luật khác”. ĐB đề nghị cho phép thí điểm, đợi sửa đồng bộ với Luật Đất đai.
Phát biểu về dự án Luật, ĐB Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, trong quá trình soạn thảo dự luật, đây cũng là điều khiến ông rất băn khoăn.
“Hiện có hơn 200 dự án riêng tại Hà Nội và TPHCM đang bị vướng điểm này, nên việc tháo gỡ được vướng mắc này có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, ĐB nói đúng và chúng tôi cũng rất băn khoăn là làm sao không để tiêu cực xảy ra ở đây. Thật sự cũng chưa yên tâm; mong ĐBQH góp ý thêm về công cụ giám sát, đảm bảo giá trị địa tô được phân chia công bằng. Làm không khéo thì nhà nước và người dân không được gì”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn giãi bày.