Theo đó, các doanh nghiệp (DN) cam kết sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng với sản lượng mỗi ngày 106,5 tấn thịt heo và 220 tấn thịt gia cầm các loại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân.
TPHCM có 3.917 hộ chăn nuôi với tổng đàn trên 274.000 con; trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa lấy từ các nhà hàng, quán ăn nên có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, Sở Công thương TPHCM với vai trò, chức năng của ngành đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân.
Hiện sở đang theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt heo và các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu thịt heo; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT TPHCM, các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt heo trên địa bàn, chủ động triển khai các phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng thịt heo tại thị trường TPHCM.
Cụ thể, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) có kế hoạch thu mua, giết mổ, đưa thịt heo ra thị trường bình quân 65 tấn/ngày. Khi có dịch bệnh xảy ra, Vissan sẽ dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong thời gian 45 ngày; đồng thời nhập khẩu thịt từ nước ngoài, nếu có biến động lớn. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagrifood) hiện đưa ra thị trường khoảng 7 tấn thịt heo/ngày. Nếu có dịch bệnh, Sagrifood sẽ đưa ra thị trường thịt heo dưới tuổi xuất chuồng (từ 80 - 90kg/con). Tương tự, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng cam kết khi có dịch bệnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước cung ứng đủ lượng hàng ra thị trường vì công ty có trang trại liên kết với người chăn nuôi trên cả nước (mỗi vùng chiếm 8%)…
Ở nhóm thịt gia cầm, Công ty CP Ba Huân cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng thịt gà để thay thế thịt gia súc khi có dịch bệnh xảy ra và có thể nâng sản lượng từ 20 tấn/ngày lên 100 - 120 tấn/ngày khi thị trường có nhu cầu tiêu dùng tăng. Công ty TNHH San Hà ngoài việc cung ứng thị trường mỗi ngày 200 tấn thịt gà và 25 tấn thịt heo cũng bố trí kho lạnh có sức chứa 500 tấn thịt gà (dự trữ 1 tuần), thuê thêm 2 kho lạnh với sức chứa trên 1.000 tấn (dự trữ trong 12 tháng) để dự trữ hàng nhập khẩu, đáp ứng sức mua của thị trường.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Sở Công thương cũng vận động DN BOTT, DN sản xuất thực phẩm chế biến tăng cường thu mua trong nước, tăng lượng hàng trữ đông, đồng thời có phương án nhập khẩu thịt đông lạnh. Hiện Sở Công thương tăng cường phối hợp với UBND 24 quận, huyện kiểm tra các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, chợ tạm không có ban quản lý, xử lý triệt để tình trạng kinh doanh thịt heo không rõ nguồn gốc. Vận động các DN, hệ thống phân phối, thương nhân chợ đầu mối tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo đầu ra, khuyến khích tăng đàn đối với các trang trại tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Lifsap, không nhiễm bệnh và có truy xuất nguồn gốc.