Nhiều DN sản xuất thực phẩm tại TPHCM cho biết, thông thường các xưởng sản xuất chỉ hoạt động hết công suất vào 3 tháng cao điểm dịp cuối năm, những tháng còn lại thường hoạt động 60%-70% công suất. Thế nhưng, nếu nhu cầu tiêu dùng tăng cao do người dân có tâm lý mua trữ hàng, các công ty lớn như Vissan, Meizan, San Hà, Sài Gòn Food… sẽ tăng công suất, bố trí công nhân hoạt động chia làm 3 ca luân phiên để gia tăng lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Như chia sẻ từ đại diện Vissan, trong thời gian gần đây, nhu cầu mua thực phẩm chế biến, đặc biệt là với nhóm hàng có hạn sử dụng dài như thịt hộp, xúc xích… đã tăng khoảng 10%. Thế nhưng, so với lượng hàng công ty đang tồn kho thì sức mua trên không đáng kể. Mặc dù vậy, công ty đã lên phương án tăng công suất sản xuất để nguồn hàng không bị đứt gãy. Hiện những ngày qua, xưởng sản xuất thực phẩm chế biến của Vissan đã huy động thêm khoảng 100 lao động thời vụ để đảm bảo kịp cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Còn ở Công ty TNHH Meizan CLV, ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Marketing, cho biết đơn đặt hàng mà Meizan nhận được so với tháng cao điểm năm 2019 đã tăng gấp 3-4 lần, tập trung vào 2 sản phẩm là mì và nui. Các dây chuyền sản xuất của DN đều được huy động hết công suất để kịp cung cấp hàng ra thị trường, đảm bảo không bị gián đoạn. Mặc dù nhu cầu mua của người tiêu dùng tăng cao, nhưng theo Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, các DN trên địa bàn sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa theo nhu cầu của người dân.
Trong khi các nhà sản xuất huy động tăng công suất hoạt động của nhà máy, thì tại các kênh siêu thị cũng gấp rút tăng nguồn hàng dự trữ nhằm phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân trong giai đoạn này. Thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, hàng hóa Saigon Co.op dự trữ cho mùa dịch bệnh này được so sánh tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gồm các mặt hàng gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa…
Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán. Về thời gian hoạt động, theo đại diện Saigon Co.op, toàn bộ hơn 800 điểm bán của nhà bán lẻ này bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… tiếp tục được đảm bảo, một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong; các cửa hàng tiện lợi Cheers thì hoạt động cả ngày trong tuần.
Các hệ thống siêu thị khác như Emart, Big C… cũng khẳng định “không thiếu hàng”, bởi các nhà bán lẻ này đều đã xây dựng chi tiết kịch bản ứng phó với dịch bệnh và đặt hàng với nhà sản xuất. Vì thế, khi thị trường có đột biến, các tổng kho của nhà bán lẻ sẽ nhanh chóng đưa hàng về điểm bán có nhu cầu tăng cao.
Theo ghi nhận của phóng viên, những kệ hàng thực phẩm như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên châm hàng liên tục. Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, các đơn vị bán lẻ cũng thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử để giảm thiểu việc tập trung đông người.
Cùng với việc tăng cường nguồn cung, các điểm bán lẻ cho biết, họ liên tục khử trùng các dụng cụ tiếp xúc với khách hàng như giỏ hàng, xe đẩy, quầy kệ. Các nhân viên được đo thân nhiệt trước khi vào - hết ca làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Đây là những biện pháp góp phần chặn đứng dịch bệnh. Về phía người dân, không nên quá lo lắng mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình, vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào và ổn định. |