Ngày 23-10, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc.
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội về cân đối ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 khoảng 1.700.900 tỷ đồng, tăng 80.100 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023.
Mức dự toán nêu trên, theo Chính phủ, là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Về chi, dự toán bội chi NSNN năm 2024 là 399.400 tỷ đồng, bằng khoảng 3,6%GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Đại biểu dự họp |
Đáng lưu ý, về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, tổng nguồn ngân sách trung ương (NSTW) dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.
Với dự kiến thu - chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1-7-2024.
Đại biểu Quốc hội dự họp |
Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.