Không tăng giá đột biến đối với hàng hóa thiết yếu
TPHCM là thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước, nên là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung ứng đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Báo cáo của Sở Công thương TPHCM cho thấy, thành phố luôn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định nhờ phát triển được hệ thống phân phối hiện đại; các giải pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai thường xuyên và hiệu quả; giá cả cung - cầu hàng hóa thiết yếu được ổn định, không tăng giá đột biến vì khan hàng, thiếu hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi nên việc phục vụ mọi nhu cầu mua sắm của người dân luôn được đáp ứng tốt nhất.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động của ngành công thương trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2019 mới đây, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thành phố sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu cho thị trường trong các tháng cuối năm, cũng như dịp Tết Nguyên đán 2020. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết với số lượng tăng hơn ít nhất 10% so với tháng thường nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường, tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nhà bán lẻ Saigon Co.op, với các hệ thống siêu thị là Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers, Sense City cũng đã làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa từ thực phẩm, hàng tiêu dùng… để chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của Saigon Co.op, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ mùa mua sắm cuối năm, từ giữa năm, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu, chủ động nguồn cung dự trữ nhằm điều tiết giá hàng hóa tết.
Cùng với Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác như Big C, Lotte Mart, Emart… đều đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Trong đó, Big C ngoài tăng nguồn hàng cũng cam kết tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá của Sở Công thương TPHCM với mức giá thấp hơn thị trường tối thiểu 5%.
Tương tự, ông Lê Hữu Tình, Giám đốc Emart Gò Vấp, cho biết dựa trên cân đối cung cầu các năm trước và nhu cầu mua sắm từ đầu năm tới nay, Emart đã làm việc với các nhà cung cấp từ đầu tháng 10-2019 để đặt hàng và chốt giá các mặt hàng. Dự kiến, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt heo… sẽ tăng ít nhất là 15% số lượng so với cùng kỳ.
Tăng kích cầu tiêu dùng
Không chỉ đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu cung ứng với giá cả hợp lý, các kênh phân phối hiện đại còn làm rất tốt công tác kích cầu thông qua việc luân phiên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho người tiêu dùng.
Như chia sẻ của Saigon Co.op, các chương trình khuyến mãi kích cầu đều liên tục được hệ thống bán lẻ của đơn vị phối hợp với các nhà cung cấp thực hiện để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Vào mỗi thời điểm khác nhau như Noel, tết…, nhà bán lẻ này đều giảm giá các ngành hàng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Mức giảm giá dao động từ 5% - 49% cho hàng ngàn sản phẩm.
Tương tự, các nhà bán lẻ hiện đại khác cũng cho biết luôn có sự hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp để có phương án giảm giá những mặt hàng thiết yếu, giúp người dân có điều kiện mua sắm tiết kiệm. Đặc biệt, các nhà bán lẻ còn tăng cường nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng mới với chất lượng vượt trội, cùng với những mặt hàng chuyên biệt để phục vụ cho tốt nhất cho thị trường.
Ở mùa tết năm trước, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã chuẩn bị gần 150.000 tấn hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2018. Năm nay, bên cạnh việc tăng nguồn hàng dự trữ cuối năm, Saigon Co.op vẫn tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá và một số mặt hàng thiết yếu khác với việc giữ giá tốt hơn so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường tối thiểu 5% - 10%. Riêng nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường, Saigon Co.op được thành phố giao chỉ tiêu dự kiến cung ứng 1.510 tấn/tháng. |