Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Xuất phát từ đó, để việc chuỗi sản xuất, cung ứng hàng Việt trong mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần không bị gián đoạn, Bộ Công thương sẽ chủ động làm việc với Bộ NN-PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng tình hình chăn nuôi gia súc và rau củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó là việc theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động
Ngoài ra, Bộ Công thương còn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và sở công thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
Tại TPHCM, với kinh nghiệm từ khủng hoảng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 năm 2021 vừa qua, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: “Dù sắp tới có thể khó khăn theo diễn biến dịch nhưng thành phố có những kinh nghiệm, mối liên kết và giải pháp điều hành nên sẽ không khó khăn như trước. Để chuẩn bị cho hàng Tết sắp tới được đầy đủ thì từ tháng 3 hàng năm, Sở Công thương đã có kế hoạch thực hiện dưới sự hướng dẫn và chủ trì của Bộ Công thương. Theo đó, sở đã liên kết với các tỉnh, thành phố để tạo ra một mạng lưới cung cầu. Tới thời điểm hiện tại, các đoàn công tác của Sở Công thương đã đến làm việc với các tỉnh cung ứng nguồn hàng cho TPHCM để chốt xong nguồn hàng phục vụ Tết”.
Trong khi đó, tại các tỉnh ĐBSCL, Sở Công thương các địa phương này cũng liên kết chặt chẽ với nhau để trong trường hợp hàng hóa của một địa phương bị thiếu thì ngay lập tức địa phương khác sẽ phối hợp, điều phối kịp thời, giúp hàng hóa được cung ứng ổn định, không để xảy ra thiếu hàng, khan giá.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể diễn biến mới phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công thương cần giao trách nhiệm cho Sở Công thương, Sở NN-PTNT địa phương, các sở ngành nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn chính thức và phối hợp với hệ thống phân phối triển khai. Khi đó sản xuất của người nông dân sẽ bài bản hơn. Đặc biệt, cần thí điểm từng mặt hàng, từ đơn giản tới phức tạp và nâng dần về quy mô.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kịp thời ban hành và hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương về các biện pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh song song với duy trì và từng bước phục hồi sản xuất, tránh để tình trạng “cát cứ”, áp dụng không thống nhất giữa các địa phương gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất như thời gian vừa qua.