Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và công ty hàng đầu về an toàn thông tin (ATTT) trên thế giới và tại Việt Nam cùng chia sẻ ý kiến, những giải pháp chuyên sâu về ATTT. Trong đó, tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, phòng chống tấn công mã độc, bảo vệ tính sẵn sàng của hệ thống, phát hiện gian lận, quản lý truy cập, bảo vệ hệ thống công nghiệp và hạ tầng trọng yếu.
Đại diện VNISA phía Nam chia sẻ về tình hình an toàn thông tin của năm 2022-2023 |
TS Phạm Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, cho biết, việc triển khai một công nghệ, dịch vụ mới trên không gian mạng, bên cạnh những hiệu quả và tiện ích mang đến, cần cảnh giác khả năng công nghệ bị khai thác để lừa đảo. Có thể nói rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu, mang đến rất nhiều lợi ích cho quốc gia, tuy nhiên chuyển đổi số cũng làm cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về an ninh mạng, nguy cơ tiềm ẩn mới với những công nghệ tinh vi hơn. Thông qua hội thảo, hy vọng có thể ghi nhận thêm nhiều chia sẻ, góp ý từ các chuyên gia khoa học công nghệ để tìm ra các giải pháp hiệu quả, nhằm đối phó với những thách thức, công nghệ mới hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên cần triển khai các giải pháp chuyển đổi số để đạt được hiệu quả và đảm bảo an toàn về bảo mật, dữ liệu, nếu không sẽ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Hy vọng, thông qua hội thảo, TPHCM sẽ lắng nghe thêm nhiều ý kiến sâu sắc của các chuyên gia về công nghệ, nhìn ra được vấn đề lớn, nghe được những giải pháp tốt. Đồng thời, thông qua các nội dung triển lãm, các đơn vị có thể tìm ra được giải pháp chuyển đổi số phù hợp để ứng dụng vào quá trình sản xuất, hoạt động.
Theo khảo sát VNISA phía Nam, 69% đơn vị, tổ chức được khảo sát có bộ phận chuyên trách về ATTT, tuy nhiên nhiều tổ chức có số lượng nhân sự không nhiều. Khoảng 50% tổ chức cần triển khai các chương trình đào tạo cho nhóm chuyên gia quản lý ATTT, các kỹ thuật phòng thủ, chống tấn công và các kỹ thuật bảo vệ an toàn hệ thống, ứng dụng…
Trong khi đó, 29% tổ chức được khảo sát cho biết chi phí ATTT chiếm trên 5% chi phí công nghệ thông tin. Kết quả này cao hơn so với khảo sát năm 2022 và là dấu hiệu tích cực trong việc các tổ chức đầu tư nhiều hơn cho ATTT. Bên cạnh đó, có đến 57% ý kiến khảo sát cho biết, vấn đề khó nhất trong việc bảo đảm ATTT cho doanh nghiệp vẫn luôn là nâng cao nhận thức cho người dùng…
Gian hàng triển lãm với những giải pháp, sản phẩm ATTT đến các công ty công nghệ hàng đầu |
Song song với hội thảo còn có gian hàng triển lãm với những giải pháp, sản phẩm ATTT cụ thể đến từ các công ty công nghệ hàng đầu.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tại Việt Nam, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (Cục ATTT) đã ghi nhận 9.519 cuộc tấn công mạng, gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, trong đó riêng trong tháng 7 là 988 cuộc. Gần 4.000 phản ánh do người dùng Internet Việt Nam gửi tới hệ thống cảnh báo và qua kiểm tra, có rất nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, công ty tài chính... Trung tâm cũng đã ngăn chặn 926 website lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Còn theo ghi nhận từ Hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), chỉ riêng tháng 7 đã có 444.901 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (tăng 8,3% so với tháng 6-2023), trong đó có 133 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước. Hơn 56.373 điểm yếu, lỗ hổng tại các hệ thống thông tin của cơ quan tổ chức nhà nước, một vài lỗ hổng đã bị các nhóm APT khai thác.