Theo thống kê, hiện có khoảng 40 DN kinh doanh trong ngành dầu ăn, với quy mô thị trường ước đạt 30.000 tỷ đồng/năm. Cơ hội tăng trưởng ngành rất cao khi tiêu thụ dầu ăn bình quân ở Việt Nam là 9,5kg/người/năm, vẫn thấp so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 13,5kg/người/năm. Bộ Công thương ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn của Việt Nam sẽ ở mức 16,2kg/người/năm vào năm 2020.
Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty và giá dầu ăn trên thị trường sụt giảm nên doanh thu và lợi nhuận của các DN ở lĩnh vực này đã giảm mạnh.
Đơn cử, dầu thực vật Tường An đã công bố doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty tại phân khúc dầu phổ thông và dầu xá (dầu đựng trong can nhựa lớn, giá rẻ). Với Vocarimex, doanh thu cũng sụt giảm mạnh tới 35,21% so với cùng kỳ năm 2018.
Khi thị trường càng trở nên cạnh tranh thì buộc nhà sản xuất phải có bước đi chiến lược phù hợp, người tiêu dùng cũng vì thế mà được tiếp cận những sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp hơn.
Như chia sẻ từ Công ty cổ phần Thực phẩm An Long, DN này đang quyết tâm chinh phục người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm dầu ăn thông qua chú trọng chọn lựa nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm. Hoặc như Tường An, DN này cũng đang tập trung vào phát triển phân khúc dầu ăn cao cấp để đáp ứng xu hướng đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng...