Bên cạnh sự thành công của các sự kiện, sân khấu ngoài trời tại TPHCM, thì thực tế cũng đang đặt ra những vấn đề phức tạp trong công tác bảo đảm an toàn.
Theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30-12-2019 của Bộ LĐTB-XH, quy định việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phải được thực hiện bởi các tổ chức có chức năng hoạt động kiểm định và lưu giữ đầy đủ hồ sơ kiểm định. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của UBND quận, huyện và TP Thủ Đức hiện không có thông tin, dữ liệu để biết được đơn vị nào có chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Bên cạnh đó, hiện tại chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với hệ thống khung giàn treo của sân khấu, dẫn đến các đơn vị tổ chức sự kiện tự thiết kế, thi công và chịu trách nhiệm đối với những thiết bị này.
Trên thực tế, một số đơn vị tổ chức sự kiện thường phối hợp các doanh nghiệp có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (do Sở Xây dựng cấp chứng chỉ) để thực hiện kiểm định hệ thống khung giàn treo. Trong khi đây được xem là một trong những thiết bị có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của nhiều người tham dự các chương trình lễ hội. Điển hình như vụ sập giàn đèn tại cuộc thi Miss Cosmo 2024 khiến 3 người bị thương.
Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngành công nghiệp biểu diễn, nhất là các hoạt động quy mô lớn ngoài trời, UBND TPHCM vừa đề xuất Bộ LĐTB-XH xem xét, đưa các hệ thống phục vụ sân khấu ngoài trời vào danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và ban hành Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn cụ thể trước khi có thể đưa vào sử dụng.
Đồng thời, công khai đầy đủ danh sách các tổ chức có chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn trên trang thông tin điện tử để người dân và các đơn vị tra cứu khi cần thiết. UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ VH-TT-DL thống nhất với Bộ Xây dựng quy định cụ thể các đơn vị có thẩm quyền thẩm định và cấp phép các khán đài, sân khấu tại các lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tập trung đông người, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà tổ chức trong thời gian tới.