Theo đó, từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 27-3, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ cấp TP đến cấp phường, xã tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội; kiểm soát đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018; Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lễ hội; Tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội; Tuyên truyền, giáo dục về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng, thuốc an thần trong giết mổ gia súc,…
Phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm an toàn đã được chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn”, chứng nhận VietGAP, chứng nhận GlobalGAP; đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo; đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, chương trình dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả….
Thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết 2018
Trưởng Ban Quản lý ATTP - bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Ban Quản lý ATTP đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành với thành phần gồm các chuyên viên của Phòng Thanh tra Ban Quản lý ATTP; đại diện chính quyền địa phương; đại diện Ban quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp TPHCM để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, các đoàn kiểm tra sẽ chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ chủ yếu do các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã thực hiện.
Qua công tác kiểm tra phát hiện các bất cập trong công tác quản lý nhà nước nhằm kiến nghị, đề xuất, điều chỉnh các quy định pháp luật, đề ra các giải pháp thích hợp, xây dựng hành lang pháp lý cho công tác quản lý ATTP.
Tập trung kiểm tra, thực hiện lấy mẫu xét nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm chất lượng và ATTP. Thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.