Theo thống kê, năm 2022, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 8.514 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó có 7.924 cá nhân và 642 tổ chức; khởi tố 24 vụ với 21 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 8.162 vụ với 7.573 cá nhân, 610 tổ chức. Trong đó, có những vụ việc, cơ quan chức năng thu giữ lên tới gần 100 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn...
Tại TPHCM, chỉ riêng trong đợt cao điểm Tết Quý Mão, lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ hàng chục tấn rau củ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tại một số chợ và cơ sở kinh doanh. Tương tự tại Đồng Nai, lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn, bốc mùi hôi thối như thịt heo, mỡ heo… đang được “phù phép” chế biến để đưa tới các quán cơm, điểm kinh doanh trên địa bàn.
Những con số kể trên cho thấy, việc lựa chọn thực phẩm nhằm bảo đảm chất lượng cho bữa ăn gia đình luôn là nỗi băn khoăn của các nhà nội trợ. Theo Bộ Công thương, thị trường hiện có 2 hệ thống phân phối chính là chợ và siêu thị. Tại chợ, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hầu như không thể kiểm soát chặt chẽ toàn diện ở tất cả các mặt hàng. Ngược lại, hệ thống phân phối hiện đại tăng trưởng tốt về số lượng và quy mô, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được bảo đảm tương đối chặt chẽ, quản lý chất lượng tương đối tốt, song mới chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm tươi sống cho người dân. Chính vì thế, việc kiểm soát chặt thực phẩm ngoài thị trường là mối quan tâm hàng đầu với người tiêu dùng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú trên địa bàn, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về ATVSTP, giữ gìn môi trường, cảnh quan. Đơn cử là Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, từ trước Tết Nguyên đán đã ban hành kế hoạch kiểm tra đến hết ngày 12-3 đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… Nhờ đó, tới nay, các hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm vẫn diễn ra ổn định, chưa xuất hiện trường hợp người dân bị ngộ độc.
Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng rất chủ động trong việc kiểm soát đầu vào của thực phẩm, rau củ quả. Chẳng hạn nhà bán lẻ Saigon Co.op, ngay từ khâu lựa chọn nhà cung cấp đã luôn ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP.
Theo nhà bán lẻ này, nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa và ATVSTP, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng nên nhà bán lẻ này kiên quyết không kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATVSTP, không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… của Saigon Co.op đều có trang bị các thiết bị chuyên dụng cho nhân viên kiểm soát chất lượng để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như kit test kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, nhãn mác, ngoại quan... để đảm bảo hàng hóa tươi ngon, an toàn, nhãn mác thông tin đúng quy định.