Thị trường du lịch đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài “đóng băng” do dịch Covid-19. Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài 4 ngày tới đây sẽ là đợt cao điểm mở đầu cho mùa du lịch hè năm 2022. Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu đi lại của người dân sẽ còn tăng mạnh, bằng hoặc thậm chí cao hơn thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội “hồi sinh” của ngành vận tải hành khách. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phương tiện sau thời gian dài bị dừng hoạt động cũng là vấn đề cần được các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện quan tâm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, vận tải hành khách là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào những thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, cả nước có hàng trăm ngàn xe ô tô chở khách bị dừng hoạt động trong thời gian dài. Sau đó, khi được phép hoạt động trở lại, phần lớn các xe ô tô chở khách vẫn tiếp tục phải “nằm bãi”, do tâm lý người dân lo ngại ảnh hưởng của dịch nên nhu cầu đi lại chưa có. Đến hết quý 1-2022, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn phải hoạt động cầm chừng, chỉ khai thác được 20%-30% công suất, nhiều tuyến xe khách liên tỉnh vẫn tạm ngưng vì quá ít khách.
Theo các chuyên gia, việc hàng loạt phương tiện phải dừng hoạt động trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn khi khai thác trở lại. Trong đó, nguy cơ mất an toàn lớn nhất là độ bền lốp xe. Khi để lâu ngày không sử dụng, nếu các chủ xe không quan tâm kiểm tra, đảo lốp thường xuyên để giảm áp suất lốp, có thể gây biến dạng lốp và hư hỏng. Kể cả khi niên hạn sử dụng của lốp vẫn còn, độ mòn vẫn đạt yêu cầu, xét về lý thuyết cơ quan đăng kiểm không có lý do từ chối cấp chứng nhận, nhưng chất lượng của lốp đã không còn an toàn khi đưa vào lưu thông, nhất là khi xe chạy trên đường cao tốc với tốc độ 80-100km/giờ. Bên cạnh đó, hệ thống phanh và các chi tiết khác cũng có thể bị hư hỏng nếu không được kiểm tra, bảo trì đầy đủ trong quá trình tạm dừng khai thác.
Kiểm tra tình trạng kỹ thuật phương tiện là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc bảo đảm an toàn giao thông, ngăn ngừa tai nạn. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân từ yếu tố kỹ thuật như nổ lốp, hỏng phanh... Trong thời gian tới, khi nhu cầu đi lại tăng mạnh, việc kiểm tra, đảm bảo kỹ thuật cho các phương tiện sau thời gian dài ngừng khai thác là hết sức cần thiết, đừng để xảy ra hậu quả rồi mới siết chặt kiểm tra thì đã muộn.