Chị Nguyễn Thị Thêu, công nhân Công ty VN Kanzaki, ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, nữ công nhân khi có con dưới 36 tháng tuổi gặp nhiều khó khăn. Các trường mẫu giáo công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên và nghỉ ngày thứ bảy hàng tuần, trong khi công nhân tăng ca, làm thêm, chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Việc tăng ca của công nhân ảnh hưởng rất nhiều đến việc đưa đón trẻ đúng giờ.
“Do đời sống còn nhiều khó khăn, công nhân như chúng tôi phải ráng tăng ca làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Nhất là vào những dịp gần tết, nhiều công ty ép công nhân phải tăng giờ làm nếu không sẽ đuổi việc hoặc trả lương ít ở tháng 13. Dù muốn hay không, chúng tôi cũng phải tăng ca hoặc gửi con thêm giờ”, chị Nguyễn Thị Thêu cho hay.
Mặt khác, số lượng giáo viên còn quá ít so với số lượng trẻ. Hiện nay, đa số các trường mầm non công lập chỉ được bố trí 2 giáo viên/lớp. Trẻ 6 tháng tuổi chưa thể ngồi vững hoặc tự làm bất cứ việc gì. Vì thế, việc chăm sóc sẽ không được bảo đảm.
Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, thực tế, ở các KCN tập trung nhiều công nhân có nhu cầu gửi con là rất lớn. Theo khảo sát năm 2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, khoảng 52,6% lao động nữ tại các KCN có con nhỏ dưới 6 tuổi và có nhu cầu gửi trẻ. Chỉ có khoảng 19% gia đình công nhân tại các KCN và lân cận gửi con vào các cơ sở mầm non công lập, còn lại công nhân gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục.
Các cơ sở trông giữ trẻ này chủ yếu tận dụng nhà dân làm chỗ giữ trẻ, chưa đảm bảo các điều kiện cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành giáo dục, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Hầu hết các KCN hiện nay chưa xây dựng được nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.
Với Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, chế xuất đến năm 2020”, từ 2014 đến tháng 6-2019, Đề án đã hỗ trợ, phát triển 517/500 nhóm trẻ ở địa bàn khu công nghiệp của 20 tỉnh/thành phố. Là một trong những địa bàn triển khai rất hiệu quả Đề án, với 110 nhóm/50 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, phát triển (vượt chỉ tiêu của Kế hoạch Đề án là 120%), bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-DT Đà Nẵng cho biết, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm hỗ trợ giáo dục, trải nghiệm, tạo điều kiện vui chơi đối với trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng GD-DT quận Liên Chiểu cho biết, nhằm tạo điều kiện cho công nhân làm việc những giờ tăng ca, ngày nghỉ cuối tuần, quận Liên Chiểu có những nhóm lớp hỗ trợ giữ con em các công nhân ngoài giờ tại khu công nghiệp, với 8 nhóm lớp ở địa bàn phường Hòa Khánh Bắc và một số nhóm nằm rải rác ở các địa bàn phường khác. Đây được xem là mô hình hay cần được lan rộng tại thành phố Đà Nẵng.
Việc giữ trẻ tại các trường mầm non cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Để ngăn chặn và giải quyết các tình huống nguy hại đến trẻ em, Sở GD-DT thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra về công tác quản lý, tài liệu pháp lý, chế độ bảo hiểm với nhân viên, hoạt động dạy học, công tác bán trú, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đối với trẻ mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non. Sở GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để tiện trong việc theo dõi và nhận sự phản ánh của phụ huynh và bảo vệ trẻ kịp thời.