Siết chặt công tác tổ chức
Là lễ hội có quy mô lớn và kéo dài tới 3 tháng mùa xuân, năm nay lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) đã có một số thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu du xuân, đi lễ đầu năm của du khách.
Theo đó, ban tổ chức lễ hội chùa Hương đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang vé điện tử. Đồng thời sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Ban tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, cho biết, ban tổ chức cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm… trước và trong khuôn viên chùa.
Với lễ hội Đền Trần (Nam Định), bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, cho biết, lễ Khai ấn năm nay diễn ra vào thứ bảy, dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Tại đền, sẽ có 4 điểm phát ấn. Lượng ấn cũng đảm bảo đủ cho du khách đến xin lộc đầu xuân. Đặc biệt, ban tổ chức xây dựng phương án với 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu xuân.
Dự kiến đón 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch trong mùa lễ hội năm nay, Ban quản lý chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cũng đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức phục vụ lễ hội. Việc phân luồng, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, công tác quy hoạch khu vực bố trí các dịch vụ phục vụ, công tác chỉnh trang di tích, tăng cường ánh sáng, trang trí khánh tiết, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trực cấp cứu... cũng sẽ được ban tổ chức đặc biệt lưu tâm.
Đã từng là điểm nóng với tệ cướp lễ, cướp lộc, nên trong năm 2023, ban tổ chức lễ hội Gióng ở Đền Sóc (Hà Nội) đã lên kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ. Các hoạt động văn hóa như: biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, thi đấu vật, nấu cơm, kéo co… được tổ chức tại nhiều điểm trong không gian di sản, giảm việc tập trung đông người ở khu vực hành lễ. Việc phát lộc hoa tre đầu năm vẫn được duy trì như các năm trước, thay thế cho hình thức “cướp lộc” dễ phát sinh chen lấn, giẫm đạp…
Ngăn ngừa hành vi trục lợi
Theo nhận định của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, mùa lễ hội năm nay sẽ sôi động trở lại, thậm chí có thể sẽ có đột biến về số lượng người tham gia. Vì thế, từ sớm, cục đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Lễ hội chùa Hương năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 |
Một trong những điểm đặc biệt lưu ý là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội. Không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…
Cùng đó, theo bà Nguyễn Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thời gian trước và trong lễ hội, cục cũng sẽ tổ chức kiểm tra theo khu vực, tập trung vào một số địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội... Đặc biệt, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức đối với 3 lễ hội từng là “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, gồm lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), lễ hội Đả cầu cướp phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch) và lễ hội chọi trâu Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), Cục Văn hóa cơ sở đã sớm đề nghị UBND các xã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, trong đó đưa ra giải pháp đổi mới nhằm khắc phục, hạn chế phát sinh, bất cập; chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.
Đặc biệt lưu ý phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh, kiểm soát của trọng tài với các đội khi diễn ra các hoạt động thi đấu trong lễ hội. Quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia đánh phết, chọi trâu và người tham gia lễ hội; có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
“Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự, phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục”, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.
Các cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng với việc sớm đưa ra khuyến cáo, chỉ dẫn, địa phương sẽ chủ động có các phương án ngăn ngừa các hành vi trục lợi, tổ chức mùa lễ hội văn minh, an toàn.