Bố trí lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao ở 63 tỉnh thành
Trong sáng 22-8, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trả lời chất vấn về việc tổ chức lực lượng phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Ba đặc điểm của loại tội phạm này là hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao, khiến việc phát hiện và xử lý rất khó khăn.
Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù. Bộ Công an đã bố trí lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ở công an 63 tỉnh thành. Đây sẽ là lực lượng chủ công, cùng các lực lượng khác được nâng cao kỹ năng, phương tiện phù hợp...
Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân người đó; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…
Tiếp tục trả lời về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn 2023-2025, sau sắp xếp sẽ giảm 637 đơn vị hành chính huyện, xã; dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư là 21.800 người, trong đó cấp huyện dôi dư 1.200; cấp xã 13.100 và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã là 7.500 người. Đến năm 2030, phải giải quyết dứt điểm số cán bộ dôi dư này.
Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ chính sách dôi dư này rất là lớn. “Các địa phương tự cân đối được thì thực hiện theo quy định. Các địa phương không tự cân đối ngân sách, khẩn trương gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán, thực hiện chính sách cho số cán bộ dôi dư.
Triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Cuối phiên chất vấn, được Thủ tướng ủy quyền, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Trong đó, về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xử lý vi phạm quy định về hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), 28/28 tỉnh thành phố ven biển đã thành lập tổ chức kiểm ngư. Số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt gần 100%.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu tiếp tục đánh giá cao những cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU...
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tồn tại trên thực tế, nhất là việc xử lý các công trình hiện hữu không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy sau kiểm tra. Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Trong đó, Bộ Công thương đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia.
Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Bộ Công an tiếp tục tăng cường đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp. Triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Chiều 22-8, UBTVQH đã biểu quyết thông qua đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8).
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tuyến tại điểm cầu TPHCM có các ĐBQH: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM…