Do đó, nếu không có sự tham gia phối hợp giữ gìn an ninh trật tự của các đơn vị như: Cảnh sát giao thông, công an khu vực, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... thì công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) sẽ bị cản trở và gặp rất nhiều khó khăn.
Tác hại của sự hiếu kỳ
Người dân hiếu kỳ tụ tập thành đám đông để theo dõi diễn biến và bàn tán xôn xao là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại hiện trường hầu hết các vụ cháy. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng kỳ thực lại gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Cụ thể, đám đông vây kín khu vực xảy ra cháy sẽ làm hạn chế không gian hoạt động của xe chữa cháy và ảnh hưởng đến tốc độ triển khai lực lượng, phương tiện cứu chữa đám cháy của Cảnh sát PCCC.
Mật độ người tập trung quá đông tại đây làm xuất hiện tình trạng kẹt xe, ùn tắc kéo dài, khiến việc điều tiết giao thông gặp nhiều áp lực. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại hiện trường các vụ cháy cũng trở nên căng thẳng hơn.
Chị Lê Ngọc Phương (ngụ tại quận 5) cho biết: “Tôi thấy nhiều người có thói quen là khi chạy xe ngang qua nơi xảy ra cháy thì cố gắng ngoái nhìn, rồi chỉ trỏ, thậm chí là dừng hẳn xe một cách đột ngột để theo dõi vụ việc”.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM), khẳng định: “Việc một số người dân tập trung tại hiện trường các vụ cháy nhưng không tham gia hỗ trợ công tác chữa cháy, CNCH, mà chỉ đơn thuần vì sự hiếu kỳ hoặc là vì động cơ không trong sáng nào đó... là hành vi cần phải lên án”.
“Vành đai” an toàn
Việc đám đông tụ tập, vây kín khu vực xảy ra cháy chỉ để nhìn, chụp ảnh, quay phim và bàn tán xôn xao... không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC, làm ách tắt giao thông, mà còn tạo điều kiện cho một số kẻ gian có cơ hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như hôi của, trộm cắp tài sản…
Vì vậy, để cán bộ chiến sĩ lực lượng PCCC chuyên nghiệp có thể tập trung toàn lực cứu “cái còn từ trong cái mất”, thì ở bên ngoài tuyến lửa, các lực lượng chức năng khác cũng phải căng mình thiết lập “vành đai” an toàn, đảm bảo cho xe cứu hỏa và các đội hình chữa cháy, CNCH được triển khai thông suốt, hiệu quả.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm cho rằng: “Theo quy định của pháp luật, hiện trường khu vực xảy ra cháy và tai nạn nguy hiểm phải được tổ chức bảo vệ, phong tỏa, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Trên thực tế, đa số quận huyện đều làm tốt vấn đề này; tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác phối hợp bảo vệ chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân hiếu kỳ tụ tập, vây kín hiện trường các vụ cháy, CNCH vẫn còn xảy ra”.
Công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự có vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc cứu chữa thành công những vụ cháy, CNCH trên địa bàn thành phố thời gian qua. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, việc phối hợp giữa các lực lượng triển khai bảo vệ tại hiện trường các vụ cháy, tai nạn nguy hiểm cần phải đồng bộ, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, những hành vi cố tình gây mất an ninh trật tự, hoặc cản trở Cảnh sát PCCC thực thi nhiệm vụ tại hiện trường các vụ cháy, tai nạn cũng cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật. |