Đến dự hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Về phía lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai; Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An; Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang.
TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là 7 tỉnh, thành phố của phía Nam gồm gần trọn vùng Đông Nam bộ và một phần vùng Tây Nam bộ; có diện tích khoảng 23.685 km2 với 47 địa bàn giáp ranh cấp thành phố, quận, huyện, thị xã và hơn 170 địa bàn giáp ranh cấp phường, xã, thị trấn.
Đây là khu vực chính trị - kinh tế trọng điểm, phát triển năng động của Nam bộ và cả nước, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; đồng thời là nơi tập trung đông người dân nhập cư từ tất cả các tỉnh, thành trong cả nước về cư trú, làm ăn sinh sống nên cũng là địa bàn mà các loại tội phạm thường tập trung lợi dụng để hoạt động, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là ở 47 địa bàn giáp ranh của 7 tỉnh, thành phố và các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn 7 tỉnh, thành phố đã xảy ra 28.347 vụ phạm pháp hình sự. Riêng trong hai năm 2018, 2019 đã xảy ra 20.435 vụ phạm pháp hình sự, chiếm tỷ lệ 19,56% số vụ phạm pháp hình sự của cả nước. Trong đó, tại 47 địa bàn giáp ranh cấp huyện của 7 tỉnh, thành phố xảy ra 16.349 vụ, chiếm tỷ lệ 57,67% số vụ phạm pháp hình sự của 7 tỉnh, thành phố.
Nổi lên là các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, giết người...; các loại tội phạm về ma túy, cờ bạc, game bắn cá, tội phạm lừa đảo công nghệ cao, tệ nạn mại dâm... tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt là đã có sự hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, thành phố.
Tội phạm liên quan “tín dụng đen” cũng diễn biến phức tạp, núp bóng doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ để hoạt động cho vay lãi nặng kéo theo hoạt động đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản và bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ngày càng nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá cao việc ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn giáp ranh giữa TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang; xem đây là việc cần thiết và phù hợp trong tình hình hiện nay, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ của 7 tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương của 7 tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề về an ninh trật tự nổi lên tại địa phương và các địa bàn giáp ranh…
Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, để Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự được triển khai thực hiện hiệu quả, công an từng quận, huyện địa bàn giáp ranh phải xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ, cụ thể. Công an 7 tỉnh, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện về mọi mặt; trong đó chú trọng các mô hình vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại các địa bàn giáp ranh.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công an TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp trong thời gian qua; hoan nghênh các đơn vị có sáng kiến hợp tác, liên kết vùng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, qua đó từng bước kéo giảm tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng Công an 7 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều chiến công mới, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 7 tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương của TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang thường xuyên xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, chuyển hóa địa bàn hàng năm; đấu tranh kịp thời với các băng, nhóm tội phạm, tập trung phối hợp tổ chức kiểm tra hành chính, tuần tra kiểm soát, nhất là ở các tuyến đường giáp ranh giữa các địa bàn. Đồng thời có sự phối hợp trong tuần tra kiểm soát, phòng chống tội phạm đường sông giữa Công an TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An; phối hợp, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phối hợp tổ chức tốt công tác đưa dẫn đoàn giữa các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm của Công an 7 tỉnh, thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong phối hợp triển khai lực lượng tấn công, trấn áp tội phạm, kiểm tra hành chính tại các địa bàn giáp ranh, trọng điểm, nhất là tuyến chống xâm nhập, buôn lậu, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ biên giới Campuchia vào trong nước giữa Công an Tây Ninh - Long An -TPHCM; Tiền Giang - Long An - TPHCM; tuyến đường biển Bà Rịa - Vũng Tàu -TPHCM. Công an các tỉnh, thành phố cũng phối hợp xử lý nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, Đồng Nai; phối hợp triệt phá “tam giác đen về tội phạm” giữa quận Thủ Đức - TPHCM, TP Dĩ An, Thuận An - tỉnh Bình Dương, TP Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai, không để phát sinh mới địa bàn phức tạp khác, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội. |