Đắk Nông tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2
SGGPO
Ngày 10-11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo giới thiệu, cung cấp thông tin về Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2, Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2020 và lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Đắk Nông là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số tại chỗ M’Nông, Mạ, Ê đê… trải dài trên một địa bàn rộng lớn. Đồng thời, đây cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp, đã làm cho văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thêm đa sắc màu. Các buôn làng đồng bào dân tộc M’Nông, Mạ, Ê đê… là những vùng đất ẩn chứa nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu, đặc sắc về lễ hội, sinh hoạt cộng đồng...
Giới thiệu thổ cẩm cho khách tham quan
Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống còn được lưu truyền đến ngày nay, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam; UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020. Đây là một hoạt động văn hóa - du lịch đa dạng và phong phú, dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa - du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm cải tiến, nâng cao hiệu quả nghề dệt thổ cẩm.
Lễ hội cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm
“Với sự kiện Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh sẽ khai thác các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo kết hợp với văn hóa truyền thống đặc trưng của 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết. Hiện, tỉnh Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”. Đây được xem là sản phẩm du lịch giữ vai trò chủ đạo, mang tính độc đáo, riêng biệt, thu hút du khách khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông.
Đặc biệt, những giá trị độc đáo của địa chất, địa mạo gắn với việc hình thành hệ thống hang động (trên 100 hang), những mỏ đá saphia, mỏ quặng alumin, wolfram… mang sắc thái riêng, được hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây 3,5 triệu năm, là những đặc điểm riêng biệt của hệ thống Công viên địa chất. Đây là một loại hình du lịch địa chất chứa hàm lượng tri thức khoa học cao và khá kén chọn đối tượng khách, đồng thời khá xa lạ đối với đa số người dân Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia từ ngày 24 đến 29-11 với sự tham gia của 15 tỉnh, thành cả nước như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk... Đây là dịp để đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông giao lưu, trao đổi với các đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khác, đặc biệt là giao lưu, học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm dệt thổ cẩm để rút ngắn thời gian sản xuất, ứng dụng vào đời sống và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia từ ngày 24 đến 29-11 với sự tham gia của 15 tỉnh, thành cả nước
Sự kiện bao gồm chuỗi hoạt động chính: Khai mạc Lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II-2020 và Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; trình diễn “Fashion Show - Thổ cẩm”; khai mạc và bế mạc không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam; hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020. Trong chuỗi hoạt động còn có các sự kiện tiêu biểu như: bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 tại tỉnh Đắk Nông; lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu; hoạt động từ thiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh...
“Du lịch tỉnh Đắk Nông đang còn khiêm tốn, do đó, thông qua các sự kiện quảng bá, kết hợp với liên kết với các doanh nghiệp du lịch ngoài Hà Nội, hy vọng trong thời gian tới, lượng khách từ thị trường Hà Nội sẽ đến với tỉnh Đắk Nông sẽ nhiều hơn”, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết.
Qua lễ hội, ban tổ chức cũng mong muốn tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn các dân tộc, tìm kiếm thị trường cho những loại hình sản phẩm thổ cẩm làm ra như trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay như gian hàng bán lẻ thổ cẩm tại những điểm có đông khách tham quan.
Tổ chức liên kết vùng với các hợp tác xã, câu lạc bộ hay các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.