Đắk Nông lo thiếu giáo viên trong năm học mới

Năm học 2024-2025, dự kiến tỉnh Đắk Nông sẽ thiếu hơn 2.100 giáo viên và 600 nhân viên trường học. Số lượng học sinh không ngừng gia tăng trong khi ngành giáo dục lại đang tinh giản biên chế, khiến cho tình trạng “khát” giáo viên ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Sắp bắt đầu năm học mới nhưng hiện nay nhiều trường học ở Đắk Nông vẫn đang trong nỗi lo về tình trạng thiếu giáo viên. Những ngày này, bên cạnh công tác tuyển sinh, trường Mẫu giáo Măng Non (xã Đắk N’rot, huyện Đắk Mil) cũng liên hệ các đơn vị khác để hợp đồng giáo viên phụ trách giảng dạy.

Cô Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng Non, cho biết, hiện nay trường có 13 lớp với 21 giáo viên biên chế. Để đảm bảo công tác giảng dạy, trường cần thêm 4 chỉ tiêu biên chế. Việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến công tác chất lượng dạy của giáo viên và học sinh.

“Năm học 2023-2024, UBND huyện cho chủ trương trường hợp đồng với 4 giáo viên nhưng vì lương giáo viên quá thấp nên việc tuyển giáo viên rất khó khăn. Do thiếu giáo viên nên áp lực dạy học của các giáo viên rất lớn. Do đó, hiệu trưởng cũng phải tham gia đứng lớp để đảm bảo chất lượng dạy và học”, cô Tâm cho hay.

V5b.jpg
Trường Tiểu học Nguyễn Trải, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông hiện đang thiếu giáo viên

Theo ông Trần Văn Vượng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil, năm học 2023-2024, toàn huyện thiếu hơn 60 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên đa số nằm ở các trường vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Thiếu giáo viên, nhiều trường học phải tiếp nhận học sinh với sĩ số lớp vượt quy định. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giáo viên, chất lượng dạy và học. Dự kiến, năm nay số lượng học sinh tăng, trong khi giáo viên không được bổ sung nên sẽ là nỗi lo lớn cho ngành giáo dục huyện.

Không riêng huyện Đắk Mil, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay đang xảy ra hầu hết ở các trường, đa phần tập trung vào khối mầm non và tiểu học, ở các địa phương của tỉnh Đắk Nông. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, cho biết, qua thống kê, hiện nay ngành giáo dục tỉnh thiếu hơn 2.700 chỉ tiêu biên chế. Trong đó, riêng giáo viên tham gia giảng dạy thiếu hơn 2.100 chỉ tiêu. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, trong khi số lượng học sinh mỗi năm mỗi tăng, lại thêm hàng năm ngành giáo dục phải tinh giản biên chế 10% nên đã thiếu lại càng thiếu!

Để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã đề nghị các trường rà soát lại nhu cầu thực tế để xem xét điều chuyển các giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, không để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, cho chủ trương các trường ký hợp đồng với các giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy. Về lâu dài, Sở GD-ĐT tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ và các bộ ngành Trung ương xem xét cơ chế đặc thù cho tỉnh Đắk Nông, không tinh giản biên chế 10% đối với ngành giáo dục.

Đồng thời, xem xét bổ sung cho tỉnh 2.700 chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục để đảm bảo công tác dạy và học. Mặt khác, tỉnh kiến nghị cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục. “Ngành giáo dục của tỉnh mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư các cơ sở giáo dục mới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em và nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT xem xét, bổ sung hơn 2.700 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có hơn 2.100 biên chế giáo viên.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có hơn 200.000 học sinh các cấp. Mặc dù số trường học không tăng so với năm học trước, nhưng dự kiến sẽ tăng hơn 500 lớp học. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tỉnh Đắk Nông đề nghị các cơ quan liên quan sớm xem xét, giao bổ sung hơn 2.100 biên chế giáo viên và hơn 600 biên chế nhân viên trường học.

Tin cùng chuyên mục