Theo ông Nay Phi La, chu kỳ bệnh sốt xuất huyết của là tỉnh 3 năm lại có một đợt dịch (năm 2013, năm 2016, năm 2019 và năm 2022). Do đó, năm 2022, được nhận định là năm chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết của tỉnh. Tính đến gần cuối tháng 5, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 206 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tờ trình của Sở Y tế Đắk Lắk, dự báo năm 2022, tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến phức tạp do những nguyên nhân như: Chu kỳ bệnh sốt xuất huyết của tỉnh 3 năm một; sự biến đổi bất thường của khí hậu và đặc điểm dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue; tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; sự biến động dân số ngày càng mạnh mẽ làm tăng nguy cơ lan rộng, khó quản lý và kiểm soát nguồn bệnh...
Do đó, Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh lên kế hoạch tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh với mục tiêu huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia chiến dịch tạo thành phong trào rộng rãi, triệt để và toàn diện trong phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm thay đổi hành vi, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết, khống chế không để dịch xảy ra tại địa phương.
“Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tránh muỗi đốt và diệt muỗi”, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết thêm.
Cũng trong sáng nay, bác sĩ Lê Phúc, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, sau khi ghi nhận ca bệnh Whitmore, CDC đã làm việc với UBND huyện Ea Súp và Trung tâm Y tế huyện triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.
UBND huyện Ea Súp cũng đã tổ chức vệ sinh môi trường khu vực phát hiện bệnh Whitmore. Bên cạnh đó, quán triệt Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác giám sát, khi phát hiện các ca nghi ngờ thì khẩn trương chuyển lên tuyến trên để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với nguồn nước tại khu vực phát hiện ca bệnh. Người dân cần ăn chín, uống chín và khi phát hiện dấu hiệu bất thường thì lên ngay cơ sở y tế để thăm khám”, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo.
Một lãnh đạo Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các bác sĩ đang theo dõi, điều trị tích cực cho bệnh nhi N.T.V. (9 tuổi, ngụ xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) mắc bệnh Whitmore.
Bác sĩ này nhận định, Whitmore là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong trên thế giới cao.