Năm 2018 là năm kinh tế Đắk Lắk đạt mức tăng trưởng khá cao ở mức 7,82%. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ với xu hướng tăng dần của khu vực dịch vụ. Nhờ tăng cường truyền thông, xúc tiến thương mại, năm 2018, Đắk Lắk đã thu hút được 60 dự án với tổng vốn đăng ký 9.300 tỷ đồng. Hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến, tăng 15,5% so với năm 2017. Đắk Lắk thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,55%. Chỉ tiêu về trồng rừng đạt 2.261ha, bằng 215% kế hoạch.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng, đời sống người dân Đắk Lắk đã khá hơn, các chỉ tiêu phát triển đạt khá. Mặc dù Đắk Lắk vượt chỉ tiêu về trồng rừng nhưng Thủ tướng cho rằng tỉnh cần đặt ra chỉ tiêu với yêu cầu cao hơn nữa về vấn đề này ở địa phương, góp phần vào việc gìn giữ màu xanh Tây Nguyên. Thủ tướng nhận xét, năm 2018, hoạt động đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk có kết quả tốt, số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện, thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới được duy trì. Cơ sở hạ tầng về du lịch của tỉnh tiếp tục được quan tâm với việc xuất hiện thêm một số khách sạn lớn. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; an ninh biên giới giữ vững, công tác đối ngoại được đảm bảo…
Nhận xét về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ở địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Lắk vẫn chưa khai thác hết những lợi thế sẵn có và thiếu “quả đấm thép” là cốt lõi để tạo sự lan tỏa trong phát triển. Do vậy, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; độ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu đề ra; còn một số vấn đề xã hội như thiếu giáo viên, tình trạng tín dụng đen. Thủ tướng nêu 2 nhiệm vụ trọng điểm mà Đắk Lắk phải thực hiện song song, là phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên cương Tổ quốc. Theo đó, tỉnh cần đưa các lợi thế của tỉnh thành hiện thực, trong đó phải quan tâm đến trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Thủ tướng gợi ý nông nghiệp xanh và nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển quan trọng của Đắk Lắk và yêu cầu tỉnh “không được để sa mạc hóa vùng đất quan trọng và chiến lược này”. Đây là trung tâm cây công nghiệp chất lượng cao, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Thủ tướng nêu định hướng cần giải quyết vấn đề đất đai trên tinh thần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tại chỗ có đất sản xuất, chấm dứt tình trạng “phát canh, thu tô”.
Nhấn mạnh đến tiềm năng văn hóa bản địa, truyền thống giàu ý chí cách mạng của người dân Đắk Lắk, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, vốn là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, Thủ tướng nói và chỉ đạo cần “lấy văn hóa làm trụ cột quan trọng để phát triển bền vững Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành “đều phải có chiến lược phát triển Tây Nguyên”, nhất là về giao thông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không sao cho tương xứng với yêu cầu phát triển của vùng đất này trong tương lai, khắc phục tình trạng quá tải như hiện nay. Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế để sớm đạt được mục tiêu tự cân đối ngân sách. Trong các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk phải đi đầu trong nhiệm vụ tiến tới tự cân đối được ngân sách.
Thủ tướng gợi ý Đắk Lắk cần quan tâm xây dựng những mô hình mới, hiệu quả trong giảm nghèo và đem lại hiệu quả kinh tế cao như nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh. Tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến sâu, du lịch, dịch vụ. Thủ tướng lưu ý Đắk Lắk thực hiện tốt các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương; chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh.
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đắk Lắk trong việc tổng kết việc thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.