RNM không chỉ là nơi người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, cung cấp dược liệu, nơi ươm giống của nhiều loài động thực vật…, mà còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong phòng hộ, chống xâm thực, hạn chế “cát bay, cát nhảy”, góp phần bảo vệ nơi cư trú của người dân ven biển, các công trình đê điều… RNM chính là đai xanh giữ yên dải đất ven biển.
Sống tựa vào rừng ngập mặn
Sáng sớm, bà Trần Thị Bằng, thôn Liên Thành (phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xuống rừng sú vẹt bên cửa Lạch Ghép lấy cá mà chồng và con bà đánh bắt được đem lên chợ bán. Hôm nay, hai bố con ông Yêu (chồng bà) bắt được khá nhiều cá uốp, cá đối. Ngoài cá uốp, cá đối đánh ngoài sông, trong lòng RNM này còn có nhiều loài đặc sản như cá bớp, lệch, cua… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Ở hạ nguồn sông Lam, rừng bần Hưng Hòa ngày càng trở nên tươi tốt, trở thành điểm du lịch của tỉnh Nghệ An. Ông Trần Văn Chương (xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, TP Vinh) cho biết, rừng bần có khoảng 65ha, chiều ngang nơi rộng nhất lên tới gần 1km. “Ngày xưa, RNM quê tôi đã ngăn triều cường từ sông Lam và sông Rào Đừng. Còn nay, rừng không chỉ bảo vệ đê, là nơi sinh sống của tôm cá mà còn là cánh rừng đẹp nổi tiếng nhiều người biết đến”, ông Chương tự hào.
Rừng Sác thôn Nhĩ Thượng (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) rộng khoảng 6ha, có nhiều loài cây như mây, bún, xà cừ, lộc vừng… Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật như: chim cu, chuốc chuốc, vịt trời, cói…
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, đây là nơi đàn cò nhạn quý hiếm thường về trú ngụ. Rừng Sác có vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân Nhĩ Thượng, là lá phổi xanh, ngăn xâm nhập mặn cho cánh đồng lúa, chắn gió, chắn cát… Cũng nhờ hệ sinh thái đa dạng nơi đây, người dân đánh bắt được nhiều loại tôm, cá để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.
Xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có hơn 3km rừng bần chua ven sông Thạch Hãn với diện tích 29ha. Ông Nguyễn Hữu Phận, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, cho biết: “Trong nhiều năm qua, bờ sông có trồng cây bần chua đã hạn chế một cách đáng kể tình trạng sạt lở. Đặc biệt, rừng làm giảm tốc độ dòng chảy nên bờ sông ngày càng được bồi đắp, đưa bờ thoải ra rộng phía dòng sông”.
Giá trị vô biên
Thạc sĩ Vũ Văn Lương, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - Đại học Vinh, hiện đang làm luận án tiến sĩ về RNM. Anh cho biết, có thể nói, RNM có giá trị vô biên. Đây chính là địa bàn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. RNM là môi trường phát triển của nhiều loài thủy hải sản, là nơi ươm giống của nhiều loài chim nước, chim di cư và một số động vật như khỉ, cá sấu, heo rừng, kỳ đà, chồn…
RNM có vai trò bảo vệ hệ sinh thái vùng cửa sông - ven biển, điều hòa nhiệt độ; hạn chế xói lở, xâm nhập mặn, bảo vệ các loại tài nguyên ven biển trước sự tàn phá của sóng, gió bão, nước biển dâng, triều cường; ngăn chặn quá trình sa mạc hóa khu vực đất canh tác bên trong RNM. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự báo và kiểm soát, chính vì thế vai trò của RNM càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Ngày nay, RNM là địa điểm du lịch sinh thái thú vị, mang lại giá trị kinh tế cao, chẳng hạn Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TPHCM), RNM Cà Mau, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định)… Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được phát triển trong RNM, tiêu biểu như: nuôi tôm - cua kết hợp ở Cà Mau, nuôi tôm rảo quảng canh cải tiến ở Yên Hưng và Quảng Ninh; nuôi cua lồng, cá bống mú, ốc len trong RNM tại Cần Giờ (TPHCM)…
Theo GS-TS Phan Nguyên Hồng, chuyên gia hàng đầu châu Á về RNM, các loài cây RNM ở Việt Nam cung cấp nhiều sản phẩm, trong đó có 30 loài cây cung cấp gỗ, củi, than; 15 loài cây cung cấp Ta-nanh, 24 loài cây cung cấp lá làm phân xanh, 14 loài cây làm thức ăn gia súc, 5 loài cây làm thuốc, 9 loài cây là cây chủ thả cánh kiến đỏ, 21 loài cây hoa có nhiều mật để nuôi ong,…
Xanh lại đai xanh
Ông Đinh Thìn, người có 21 năm bảo vệ RNM Hưng Hòa (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), kể: “Trước đây rừng hay bị chặt, chim hay bị săn bắn trộm. Việc bảo vệ rừng cần có phương tiện đi lại ven sông, luồn lách trong rừng nên cũng khó khăn. Để khắc phục, những thời điểm cần thiết, nhất là ban đêm, tôi thuê thuyền nhỏ đi tuần tra, bảo vệ. Trước đây, có những gia đình chặt cây rừng về làm củi nấu được tôi nhắc nhở. Tôi tham mưu giải pháp bảo vệ rừng cho xã, tuyên truyền tới từng gia đình. Mưa dầm thấm lâu, bây giờ ý thức bảo vệ rừng bần của người dân rất tốt”.
Trong nhiều năm qua, RNM ở xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng được bảo vệ hết sức chu đáo. Người dân các thôn đã tình nguyện tham gia bảo vệ rừng.
Mới đây, tháng 5-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định trồng bổ sung 24,5ha RNM. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh này đã trồng hơn 970ha RNM tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa...
Từ năm 2015, tỉnh Quảng Trị thực hiện Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM gắn liền với sinh kế bền vững, trồng gần 65ha rừng ở cửa sông Bến Hải, sông Thạch Hãn thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong.
Thạc sĩ Vũ Văn Lương cho biết, trước đây RNM liên tục giảm diện tích; nhưng những năm trở lại đây, diện tích rừng đang có xu hướng được phủ xanh trở lại. Năm 2000, diện tích RNM ở Việt Nam chỉ còn 156.608ha thì đến năm 2016 tăng lên 179.000ha. “Nếu đai xanh RNM được bảo vệ, bảo tồn thì các khu vực ven biển sẽ được an toàn hơn”, thạc sĩ Vũ Văn Lương nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, thông tin, trong những năm qua, diện tích RNM của tỉnh không ngừng được mở rộng nhằm tạo lập hệ thống rừng ven biển bền vững, phát huy vai trò phòng hộ, giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sinh thái ven biển ổn định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, cho biết, hiện nay các tuyến đê biển của tỉnh Nghệ An mới được thiết kế để chống chịu với gió bão cấp 10. Với mức độ tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay thì phải xây dựng đê chống chọi được với gió bão cấp 11, 12 và siêu bão. Vì thế, trong lúc chưa có điều kiện để đầu tư những tuyến đê như vậy, RNM chính là “lá chắn” cho các vùng ven biển chống chọi lại triều cường, gió bão, biển xâm thực…
Theo Thạc sĩ Vũ Văn Lương, qua nghiên cứu các tài liệu cho thấy, diện tích RNM ở Việt Nam đã bị suy giảm rất nghiêm trọng do khai thác quá mức, tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu. Nếu năm 1943, diện tích RNM có đến 400.000ha thì năm 1962 còn 290.000ha, đến năm 1983 còn 252.000ha và năm 2000 chỉ còn 156.608ha. |