Trong cuộc giao ban tối 29-4, sau khi báo cáo tình hình phát triển của các hướng đang đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, mở đường tiến vào trung tâm Sài Gòn, Cục Tác chiến cho biết: Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, “giờ G” là 5 giờ 30 sáng 30-4, các hướng đồng loạt đánh vào thành phố.
Nhưng vào khoảng 22 giờ (đêm 29-4), trực ban tác chiến đánh thức Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp dậy vì có điện khẩn của ông Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh chiến dịch, Chỉ huy cánh quân hướng Đông.
Trong cuộc giao ban buổi tối, Tổng tư lệnh đã được báo cáo: Quân đoàn 4 tiến chậm vì địch ngoan cố chống cự. Quân đoàn 2 phát triển thuận lợi hơn. Đơn vị thọc sâu của quân đoàn này đã vòng qua căn cứ Long Bình, đang phát triển theo xa lộ. Theo điện đêm nay của ông Lê Trọng Tấn thì do tình hình tiến quân của các quân đoàn đang thuận lợi, nhưng lúc này đội hình của cả cánh quân hướng Đông còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, đang vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nếu để đến sáng (30-4) mới cùng các hướng đồng loạt nổ súng thì sẽ không đến kịp. Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng hành dinh, Tư lệnh cánh quân hướng Đông đã cho nổ súng trước.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trao đổi với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Ông Giáp biểu thị hoan nghênh tinh thần của cánh quân hướng Đông đã chủ động nổ súng trước “giờ G”, sớm hơn các hướng khác để kịp cùng vào nội đô. Bí thư thứ nhất cũng nhất trí như vậy. Tư tưởng chỉ đạo của tập thể Bộ Thống soái lúc này là, trong lúc địch đang hỗn loạn, cánh quân nào phát triển sớm và thuận lợi, có thể tạo thắng lợi chung cho toàn mặt trận, thì cứ tranh thủ phát triển, không chờ đợi. Tổng tư lệnh gửi ngay hai bức điện vào chiến trường, cả hai bức điện đều ký tên Văn. Bức điện gửi ông Văn Tiến Dũng (bí danh Tuấn), ông Giáp viết:
1- Vừa nhận được điện của anh Tấn (đến lúc 22 giờ) cho biết đã ra lệnh cho hai quân đoàn đánh vào nội đô 16 giờ ngày 29 tháng 4. Nếu có khó khăn thì sẽ đánh vào 4 giờ sáng 30 tháng 4. Chắc anh Tấn đã có điện cho anh.
2- Anh Ba (tức Bí thư thứ nhất Lê Duẩn - tác giả) và chúng tôi thấy tình hình các hướng đang phát triển thuận lợi, hướng anh Tấn hành động càng nhanh càng tốt”.
Vậy điện anh rõ. Chúc toàn thắng.
Và bức điện gửi ông Lê Trọng Tấn: “Anh căn cứ chỉ thị về thời gian của anh Tuấn mà hành động. Nếu anh Tuấn không có chỉ thị thì hành động với thời gian nhanh nhất. Giờ cụ thể, anh căn cứ vào tình hình mà quyết định”.
Như sau này ông Giáp nhận xét, do tinh thần chủ động của cánh quân hướng Đông, nên trên thực tế trận tiến công vào Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu từ 18 giờ ngày 29 tháng 4.
Đến sáng 30-4, mọi thành viên trong Tổng hành dinh đều một dòng suy nghĩ: Quân ta đang đánh trận quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch, một thành phố đông dân, làm sao thắng nhanh nhất, làm sao tiết kiệm được xương máu của bộ đội trước giờ toàn thắng, tránh được thiệt hại cho nhân dân.
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng đã điện cho các ông Lê Đức Thọ và Phạm Hùng và nhắc các cơ quan tham mưu, chính trị mặt trận: đi đôi với mệnh lệnh tác chiến, cần có chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ, phạm vi quản lý thành phố của từng đơn vị, xúc tiến kế hoạch phát triển thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo.
Sau khi được tin quân ta trên các hướng đang tiến vào nội đô, 8 giờ sáng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho chuyển thêm một bức điện vào chiến trường. Mở đầu bức điện là lời nhiệt liệt khen ngợi của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi toàn thể các đơn vị đã lập được chiến công lớn trong những ngày qua, đập tan tập đoàn phòng ngự của địch trên các hướng, tiến công các sân bay lớn của địch, hoạt động tốt ở ven đô…
Khoảng 10 giờ, Cục Tình báo báo cáo: Theo bản tin nhanh của Đài phát thanh NHK (Nhật Bản), cùng với tin xe tăng của Quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn là tin tướng Dương Văn Minh lên tiếng đề nghị ngừng bắn để “thương lượng”. Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh được lệnh chuyển ngay bức điện cho chiến trường: lệnh cho các cánh quân trên các hướng tiếp tục đẩy nhanh nhịp độ tiến công.
Tiếp đó là những tin tức tới tấp, dồn dập: năm cánh quân đều đã vào đến trung tâm Sài Gòn. Cuối cùng là điện của ông Lê Trọng Tấn báo cáo: lúc 11 giờ 30 đơn vị mũi nhọn của cánh quân hướng Đông đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Đã hơn 12 giờ nhưng các thành viên Bộ Thống soái tối cao dường như quên cả bữa ăn trưa. Sau khi trao đổi ý kiến trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho chuyển bức điện. Nội dung gồm:
– Đã nhận được tin quân ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Các anh Bộ Chính trị rất vui, rất vui.
– Việc chỉ đạo Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định giao cho Trung ương Cục và Quân ủy Miền phụ trách.
– Cho phát lời kêu gọi của Bộ chỉ huy Quân giải phóng.
– Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân.
– Cần tổ chức tuyên truyền lớn về thắng lợi giải phóng Sài Gòn - Gia Định, nhưng cần nhấn mạnh cuộc chiến đấu còn đang tiếp tục nhằm hoàn toàn giải phóng miền Nam.
Đến quá trưa buổi họp mới kết thúc, nhưng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn ngồi trong phòng họp. Ông cho gọi Tổ cơ yếu thường trực trong Tổng hành dinh đến. Ông Giáp biểu dương sự cố gắng của Tổ cơ yếu thường trực đã làm việc hết sức tận tụy, nhanh chóng và chính xác trong suốt thời gian khẩn trương căng thẳng vừa qua, góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Vài chục phút liên hoan nhẹ nhàng nhưng là kỷ niệm thật khó quên đối với Cục phó Nguyễn Duy Phê và anh chị em cơ yếu.
Mọi người ra về, Tổng tư lệnh giữ ông Phê ở lại, trao cho bức điện rất ngắn để mã dịch gửi vào chiến trường cho ông Lê Trọng Tấn. Bức điện mang tính nghĩa tình hơn là một quân lệnh. Điện viết:
Anh Tấn ơi,
Làm ăn tốt quá, phấn khởi quá. Chúc các anh rất khỏe và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó.
Ký: Văn.
Đó là bức điện cuối cùng của Tổng hành dinh trong ngày 30-4 lịch sử.
Trần Trọng Trung
Chiến thắng của lòng dân Ngày 30-4-1975, để giành được thắng lợi chóng vánh, 5 cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của kẻ thù đã được sự hỗ trợ to lớn của lực lượng tại chỗ và đồng bào Sài Gòn - Gia Định. Rất nhiều người dân đã tự nguyện nhập cuộc, dẫn đường các đơn vị đánh chiếm các mục tiêu. Ở hướng Đông và Đông Nam, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 được bà con ở Hàng Xanh, Thị Nghè vẫy cờ giải phóng đón chào, rồi chỉ đường cho đơn vị chiếm Dinh Độc Lập. Ở hướng Tây Bắc (hướng tiến công của Quân đoàn 3), đêm 29-4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) do Trung đoàn trưởng Vũ Văn Tài và chính ủy Bùi Đình Hòe chỉ huy, sau khi hành tiến với tốc độ nhanh đến khu vực giáp địa phận Tân Bình thì mất liên lạc với Bộ Tư lệnh sư đoàn, bộ phận biệt động dẫn đường lại không thạo địa hình vùng này. Rất may có cụ già bên quán phở “Tàu bay” nhập cuộc chỉ cho đường đi gần nhất, cửa vào thuận lợi nhất nên sáng 30-4 đơn vị mới thực hiện được cuộc tiến công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất theo kế hoạch. Ở hướng Bắc (hướng tiến công của Quân đoàn 1), Trung đoàn 27 do đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy nhờ được một bà mẹ cơ sở ở Lái Thiêu trao cho tấm sơ đồ quận lỵ Lái Thiêu (với đầy đủ các vị trí và lực lượng bố phòng của địch) nên đã thực hiện thắng lợi cuộc tấn công tiêu diệt “tuyến tử thủ” của địch tại đây, mở đường cho các đơn vị (thuộc Quân đoàn 1) tiến vào đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng tham mưu, tiểu khu Gia Định và các khu vực bộ tư lệnh các binh chủng quân ngụy. Còn ở hướng Tây - Tây Nam, nhiều đơn vị của Binh đoàn 232 được đồng bào vùng phụ cận Sài Gòn và ngoại thành Sài Gòn - Gia Định giúp phương tiện chở người và vũ khí vượt sông tiến công vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu được phân công, trong đó có mục tiêu “Biệt khu thủ đô” và Tổng nha Cảnh sát. Cũng trong đêm 29-4 và nhất là trong buổi sáng và cả chiều 30-4, lực lượng tại chỗ đã cùng đồng bào nổi dậy giành chính quyền, cắm cờ giải phóng trên các công sở ở nhiều địa điểm từ ngoại ô đến nội đô, trong đó có các sở điện và nước. Sài Gòn - Gia Định được giải phóng hầu như còn nguyên vẹn, đi vào hoạt động được ngay là kết quả tài tình của một cách đánh, cách giải phóng Sài Gòn (tổng tấn công kết hợp với nổi dậy). Dù phải sống trong sào huyệt của quân thù liên tục trong nhiều năm nhưng lòng người dân Sài Gòn - Gia Định luôn hướng về cách mạng, về bộ đội giải phóng. Từ lòng tin vào Cụ Hồ, tin vào Đảng Cộng sản với lớp đảng viên bất khuất kiên trung thời tiền khởi nghĩa đến các đảng viên, cán bộ, chiến sĩ ra đi từ “mùa thu rồi ngày 23...”, đồng bào Sài Gòn - Gia Định đã dành trọn tình cảm tin tưởng, yêu mến, sẵn sàng đùm bọc, chở che cho quân giải phóng, cho bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ có cơ sở cách mạng và những người dân thường mà còn có cả nhiều nhà buôn, chủ xưởng, các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của Sài Gòn - Gia Định, kể cả một bộ phận binh sĩ ngụy có tinh thần dân tộc cũng hướng về cách mạng, sẵn lòng giúp quân giải phóng. Chính vì thế kháng chiến đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó có thế trận hậu cần nhân dân ngay trong lòng thành phố và trên khu vực toàn Miền. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, chế độ quân quản được thiết lập, nếu không có sự thương yêu giúp đỡ của đồng bào, chính quyền khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Trung tướng LÊ THÀNH TÂM (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM) |