Ngày 27-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này. Đồng thời đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát, bổ sung đánh giá tác động của một số chính sách cụ thể; rà soát kỹ lưỡng các điều khoản của dự thảo luật để không trùng lặp và tương thích hệ thống pháp luật hiện hành…
Trước Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và cho biết sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Giải trình một số ý kiến cụ thể về cấp phép bay, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng.
Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng cho biết, do Bộ Quốc phòng có các trang thiết bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều. Vì vậy, Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay.
Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Đối với nội dung quy định quyền bắn khi thực hiện chế áp, trong trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh. Đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.
Cùng với đó là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng một chương quy định về việc quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.