Cùng tham dự đại hội có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; các ban, ngành trung ương, địa phương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ; cùng 348 đại biểu ưu tú đại diện cho 42.500 đảng viên thuộc 11 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong bối cảnh quốc tế và trong nước ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên Vĩnh Long tự hào đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, chính sách đối với người có công, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực… Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện, có hiệu quả, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của BCH Trung ương khóa XII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy mang lại kết quả bước đầu khá tích cực.
Với phương châm "Dân chủ - Kỷ cương – Đoàn kết – Đổi mới – Phát triển", nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ”. Tập trung phát triển nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch….
Tại đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Vĩnh Long đạt được trong nhiệm kỳ qua. Qua đó, yêu cầu tỉnh Vĩnh Long thực hiện quyết liệt 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới là giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đặc biệt chú trọng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn và xâm nhập mặn. “Tiếp tục dồn sức cho xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị. Tiếp tục đầu tư và phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất”.
Đại tướng cũng yêu cầu, tỉnh Vĩnh Long tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Đẩy mạnh phát triển văn hóa – xã hội, xây dựng con người Vĩnh Long phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII).
Đại hội sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 26-9, Đại hội cũng sẽ bầu ra 49 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó gồm 15 đồng chí trong Ban Thường vụ; Ủy viên Ủy ban kiểm tra 9 đồng chí. Ngoài ra, đại hội sẽ bầu Đoàn đại biểu gồm 17 đồng chí chính thức và 2 đồng chí dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.