Sống cho trong sạch
Nhìn lên bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng trong nhà, bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, cháu ruột Đại tướng Mai Chí Thọ) xúc động: “Trước khi mất, cậu Năm Xuân tặng tôi bức ảnh Bác Hồ để treo trong nhà”. Bà Hằng Nga kể lại: “Sau khi ba tôi mất, năm 1975, tôi theo cậu vào miền Nam, rồi làm phóng viên ở chiến trường biên giới Tây Nam. Không chỉ có cậu Năm, gia đình tôi có truyền thống thương con gái, cháu gái lắm. Nhưng hồi đó, tôi làm phóng viên chiến trường cực nhọc và nguy hiểm, cậu động viên, chỉ bảo chứ không ngăn cản”.
“Sống cho trong sạch, sống cho nhân hậu”, là cụm từ được bà Hằng Nga nhắc đi nhắc lại trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bởi đó là những lời mà cậu Năm Xuân đã dạy cháu gái mình. Sau này, khi đảm nhận qua nhiều vị trí công tác, lời cậu Năm càng được bà Hằng Nga trân trọng như một kim chỉ nam dẫn đường. Bà kể: “Biết tôi là cháu một vị lãnh đạo, sau này trong công việc, cũng có người tìm đến tôi với không ít cám dỗ, nhưng lời cậu Năm dạy, suốt đời tôi không quên”.
Cuộc đời làm cách mạng, làm chính trị hay nghiệp cầm quân điều binh, trong trái tim mình, ông luôn đặt lên trên hết hai chữ “nhân dân”. Hai chữ “nhân dân” với ông Năm Xuân luôn là một điều thiêng liêng với những tình cảm gắn bó như ruột thịt, bởi đơn giản một điều - qua năm tháng lửa đạn của chiến tranh, người cán bộ ẩn mình giữa lòng dân mà sống, mà chiến đấu… “Đừng quên nhân dân, nhân dân nuôi cậu làm cách mạng, không có nhân dân đùm bọc, chở che thì làm sao có ngày hôm nay. Hồi hoạt động, đi tới đâu cậu cũng được dân nuôi, có nhiều người nhận cậu làm con nuôi. Sau này, cậu Năm cũng hay kể nhiều về các ba, má nuôi của cậu trong kháng chiến”, bà Nga kể.
Bà kể thêm, một chiếc áo thun trông hơi sang được người quen tặng trong những năm khó khăn, bà cũng không dám mặc vì cậu Năm rầy. Bà Hằng Nga nhớ lại: “Hồi đó mới giải phóng mà, khó khăn trăm bề con à. Một người thân tặng cô cái áo thun, cô mặc có một lần mà cậu Năm rầy quá chừng. Cậu bảo bà con còn khó khăn, mình sao nỡ ăn bận sang quá, cứ áo bà ba giản dị thôi, thêm cái khăn rằn nữa là được”.
Quê hương là mẹ
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Đại tướng Mai Chí Thọ từng chịu cảnh bị giam cầm qua các nhà tù từ Nam Định đến Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La rồi Khám lớn Sài Gòn hay Côn Đảo khét tiếng “địa ngục trần gian”. Bản lý lịch của ông thật tiêu biểu cho một thế hệ hy sinh đến cùng để bảo vệ Tổ quốc.
Ông sinh ra ở Nam Định, sống và chiến đấu chủ yếu ở Nam bộ và quê hương trong ông chính là hình ảnh người mẹ, cũng như bao bà mẹ trên dải đất hình chữ S này, chịu nhiều mất mát khi sống trong thời loạn lạc của chiến tranh. Và mẹ ông, một người mẹ tảo tần, cũng giống như bao người mẹ khác ở một đất nước bị đô hộ, xâm chiếm, phải nén nỗi đau nhìn con mình chịu cảnh lao tù.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả cuốn ký sự nhân vật Đại tướng Mai Chí Thọ, kể: “Trong những lần trò chuyện cùng ông để thực hiện cuốn hồi ký thứ 3 (2 quyển trước ông đã viết xong và xuất bản - PV), có lần ông kể: “Chú cũng không biết mình còn bao nhiêu phần người Bắc nữa”. Quê ông ở Nam Định, điều ám ảnh ông là nỗi nhớ mẹ. Câu chuyện gia đình ông cho thấy những hy sinh, ly tán của người Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thật vô bờ bến. Khi tôi hỏi về quê hương thì ông kể về mẹ”.
Và ngay trong chính quyển hồi ký đầu tiên với tựa đề Những mẩu chuyện đời tôi, Đại tướng nhắc về người mẹ thật nhiều bi thương nhưng rất kiên cường của một bà mẹ Việt Nam. Ông viết: “Ban ngày mẹ tôi không bao giờ khóc, nhưng nhiều đêm, giật mình thức giấc, tôi bất chợt thấy bà ngồi một mình trước ngọn đèn khuya leo lét, lặng lẽ nhai trầu, nước mắt chảy dài trên má. Nào phải chỉ có một lần, năm 1940, mẹ tôi lại đau đớn lặng lẽ tiễn đưa ba người con đi tù, trong đó có tôi, đứa con trai út mà bà rất thương yêu. Cái cảnh lặng lẽ nhai trầu, một mình ngồi khóc giữa đêm khuya, vì ở tù tôi không còn được chứng kiến nữa, nhưng chắc chắn lại tái diễn”.
Đẹp mãi giữa lòng dân
Quê hương trong ông là mẹ và ông theo kháng chiến, sống, chiến đấu khắp nơi, nên quê hương cũng trải ra khắp non sông này; bạn bè, đồng chí, đồng đội cũng như người thân. Trong tư gia trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TPHCM), ngoài bàn thờ gia tiên, ông còn đặt thêm một bàn thờ nhỏ. Bà Phan Thị Thanh Xuân, con gái Đại tướng Mai Chí Thọ, chia sẻ: “Cha tôi lập một bàn thờ và nói để ghi nhớ công lao, sự hy sinh của các chú bảo vệ, các chiến sĩ đã ra đi vì sự nghiệp cách mạng. Ông nâng niu mấy tấm hình kỷ niệm đã bị mờ nhòe mà ông cất công lưu giữ, tự tay lo treo hình, thắp nhang thờ phụng những người anh em chí cốt đã mất, có hoàn cảnh neo đơn, những người đã đồng hành giúp sức cùng ông trong thời kháng chiến khốc liệt”. Và gia đình riêng của ông cũng như bao gia đình khác trong thời chiến, có cha làm cách mạng, nên giấy khai sinh của các con không có tên cha, mọi thứ phải ẩn mình theo từng bước hoạt động của ông. Gia đình chỉ sum họp thực sự sau ngày đất nước thống nhất.
Trong suốt buổi trò chuyện với người thân của ông, vào những ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, điều mà chúng tôi cảm nhận được ở những người con, người cháu của Đại tướng là những lời nhẹ nhàng mà sinh thời ông thường hay nói với cô út Xuân như “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” hay với cô Nga “Sống cho trong sạch, sống cho nhân hậu”. Một người suốt đời vì sự nghiệp chung của đất nước, vài lời dạy con cháu cũng hướng đến cái chung. Một trái tim vì mọi người, một người lãnh đạo đặt mình phía nhân dân, thì dẫu là trăm năm hay bao lâu nữa, tên ông vẫn đẹp mãi giữa lòng dân.
Có rất nhiều điều để thế hệ bây giờ và sau này nhắc nhớ đến lớp người đã sống trọn vẹn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước. Chúng tôi xin mượn lời kết cuốn hồi ký Đại tướng Mai Chí Thọ của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải để tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của ông: “Có lẽ vì từ trong máu xương, đau khổ, gắn bó với dân tộc xứ sở nên mỗi người cộng sản như ông Mai Chí Thọ đều đã là những chính khách từ lâu. Chỉ có điều những chính khách này không comple, cravat và đăng đàn nơi trịnh trọng. Họ làm chính khách trong mọi hành vi giản dị nhất của đời họ”.
Cô Phan Thị Thanh Xuân, con gái Đại tướng Mai Chí Thọ, kể thêm: “Ba đối với anh em tôi là một người rất tình cảm, nhưng với ba, tinh thần vì cái chung vẫn đặt lên trên hết. Có một lần, tôi thấy một ông cụ đã già lắm, mắt ông bị mù, từ Cần Thơ lên TPHCM để tìm gặp ba tôi. Thấy mọi người đưa ông cụ vào gặp ba, ông ôm chầm ba rồi khóc, hai người nói chuyện xưng ba - con rất tình cảm. Sau này, ba kể lại tôi mới biết, ông cụ là ba nuôi của ba, che chở và nuôi giấu ba hồi còn hoạt động ở Cần Thơ. Và chính vì cách mà ba đối xử với mọi người luôn đong đầy tình cảm, nên anh em tôi cũng được những người mà ba giúp đỡ coi như con cháu trong nhà. Chúng tôi luôn trân trọng điều đó và sống tình cảm, chan hòa với mọi người xung quanh mình như ba đã từng”. |