Toàn cảnh hội thảo khoa học về Đại tướng Chu Huy Mân |
Sáng 17-3, tại TP Vinh, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17-3-1913 – 17-3-2023), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An”.
Cuộc đời vẻ vang
Tại hội thảo, hơn 90 tham luận đã tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, tôn vinh nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước; vị tướng tài ba của quân đội, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.
Hội thảo cũng nêu bật, làm sâu sắc hơn những quan điểm, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng Chu Huy Mân vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các đại biểu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Đại tướng Chu Huy Mân |
Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ôn lại cuộc đời vẻ vang của Đại tướng Chu Huy Mân.
Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ra tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Chu Huy Mân sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, trở thành chiến sĩ cộng sản năm 17 tuổi, là người chỉ huy Đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931, nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man rồi đày đi Đắk Glei (Kon Tum).
Năm 1943, đồng chí và các bạn tù chính trị đã tổ chức vượt ngục thành công, về với phong trào cách mạng, được bầu vào Ban Việt Minh, tham gia Tỉnh ủy Quảng Nam, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn với quân ngũ.
Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại xã Hưng Hòa (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) |
Cuối năm 1945, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam; Chính trị viên Mặt trận Đường 9 Đông Hà – Savannakhet (Lào).
Cuối năm 1946, đồng chí được điều ra Việt Bắc, đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Khu ủy Khu 1, rồi được giao xây dựng các trung đoàn chủ lực, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các trung đoàn 72, 74; giúp cách mạng Trung Quốc trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn; Chính trị ủy viên Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng, tham gia chỉ huy các trận đánh trên Đường số 4; tham gia Chiến dịch Biên giới 1950.
Tháng 5-1951, Đại đoàn 316 được thành lập, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn, tham gia chỉ huy Đại đoàn lập nhiều chiến công trong các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Từ năm 1954 đến năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại nước bạn Lào. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến, giúp cách mạng Lào vượt qua khó khăn, thử thách, được Đảng, quân đội, nhân dân các bộ tộc Lào trìu mến gọi là “Tướng Thao Chăn”.
Trong 2 năm 1958 và 1959, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Năm 1961, đồng chí trở lại làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 4. Năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Phơrunde (Liên Xô), rồi trở lại công tác ở Quân khu 4.
Hưng Hòa - quê hương Đại tướng Chu Huy Mân nay đã "thay da đổi thịt", trở nên giàu đẹp |
Đầu năm 1964, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương điều động vào chiến trường Khu 5. Từ đây cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí gắn bó với chiến trường miền Trung - Tây Nguyên ác liệt, với cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3, Quân khu 5, đồng chí đã góp phần đưa “Khu 5 đi đầu diệt Mỹ”, ghi dấu ấn về tài năng của “Vị tướng Hai Mạnh” qua các trận đánh nổi tiếng như: Núi Thành, Ba Gia, Plei Me, Sa Thầy, Cấm Dơi (Quế Sơn), Nông Sơn - Thượng Đức và chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đầy sáng tạo trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tháng 3-1977, đồng chí được Bộ Chính trị cử giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã có công to lớn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị; cùng Quân ủy Trung ương chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêngxary, cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Năm 1981, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hưng Hòa - mảnh đất hữu tình |
Tướng “Hai Mạnh”
TS Phạm Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể, tháng 6-1967, khi đang chuẩn bị cho Chiến dịch Đắk Tô thì đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương gọi ra Hà Nội. Đồng chí đã được gặp và báo cáo tình hình chiến trường Khu 5 với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí được cùng ăn cơm trưa với Người.
Trong bữa ăn thân tình, “Bác hỏi: - Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?”. Đồng chí Chu Huy Mân thưa với Bác: “Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải làm tạm cả hai nhiệm vụ”. Bác nói với tinh thần khẳng định và động viên: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe kể lại câu chuyện, mọi người liền đề nghị Tư lệnh đổi bí danh từ “Hồ Thanh Châu” sang “Hai Mạnh”. Từ đó, trong các bức điện và công văn, ông đều ký tên Hai Mạnh và đồng đội cũng dùng tên gọi thân thương đó để gọi ông là “anh Hai Mạnh”.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nêu rõ, tiếp thu truyền thống của quê hương cách mạng, được lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, Đại tướng Chu Huy Mân sớm giác ngộ cách mạng, trưởng thành trên con đường tranh đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Chu Huy Mân đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, kiên định với ý chí “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng” mà đồng chí đã tuyên thệ trong ngày được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, kết quả hội thảo khoa học “Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An” sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.