Đại trùng tu chùa Cầu, Hội An: Nhiều ý kiến trái chiều

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc di tích chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có diện mạo mới sau cuộc đại trùng tu kéo dài 19 tháng. Có ý kiến cho rằng, màu sơn bên ngoài không đồng bộ, nhìn mới, hiện đại không phù hợp với di tích này.

Chùa Cầu mang diện mạo mới sau trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Chùa Cầu mang diện mạo mới sau trùng tu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Màu sơn tường quá đậm

Dự án tu bổ di tích chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ là 50%, ngân sách TP Hội An bố trí là 50%. Dự án này được khởi công vào ngày 28-12-2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này.

Sau hơn 19 tháng được hạ giải để đại trùng tu, di tích chùa Cầu đã lộ diện sau khi đơn vị thi công tháo dỡ nhà bao che bảo vệ. Các hạng mục như lát gạch xung quanh di tích, lau dọn xà bần, các vết sơn thừa đang được gấp rút hoàn thiện. Người dân và du khách đã được vào tham quan di tích. Tuy nhiên, do mới được sơn trở lại nên các bờ tường, mái ngói trông có phần “mới” hơn so với trước khi trùng tu.

Em Lê Quốc Minh (người dân Hội An) khi nghe tin chùa Cầu vừa được hoàn thiện đã tranh thủ sau giờ học thêm, đạp xe đến phố cổ chiêm ngưỡng. Em cho biết, khá ngỡ ngàng về diện mạo chùa Cầu sau khi được tu bổ, màu sơn hơi đậm nên nhìn chưa quen mắt so với trước kia.

Còn ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đánh giá, công tác trùng tu lần này rất tốt. Các chi tiết hoa văn, nội thất được gìn giữ, rất chỉn chu.

“Chỉ tiếc khi sơn mặt ngoài di tích sơn phết không được đồng bộ, không xử lý được nét cổ kính. Màu ngói và màu tường hiện tại quá đậm nên nhìn hơi khó chịu. Màu các di tích của Hội An là màu đỏ hơi nhạt, có phần giống màu của cánh sen hơn. Tôi nghĩ, bên quản lý di tích nên sơn điều chỉnh màu cho nhạt bớt lại”, ông Nguyễn Đức Minh góp ý.

Đề cập việc nhiều người cho rằng chùa Cầu có diện mạo mới trông lạ lẫm, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng, khi ngói mới lợp lên thì trông còn mới, sau vài mùa mưa sẽ mang dáng vẻ cổ kính như trước, đối với phần màu sơn thì màu đỏ đậm khác màu của công trình trước khi đại trùng tu. Đơn vị phụ trách có thể xem xét lại và quét lại màu nhạt hơn để mọi người nhìn di tích không còn cảm giác lạ lẫm.

&6b.jpg
Diện mạo mới của chùa Cầu sau khi trùng tu

“Có yêu thì người dân, du khách mới bày tỏ sự khen, chê đối với di tích được xem là biểu tượng của phố cổ. Vậy nên lãnh đạo địa phương cũng như những người làm công tác trùng tu di tích phải biết lắng nghe, tiếp thu, thậm chí có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Không chỉ đối với chùa Cầu mà là kinh nghiệm khi trùng tu các di tích khác ở phố cổ.”

Sẽ sơn lại màu nhạt hơn

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An (đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án) công tác chuẩn bị tu bổ chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Dự án đã tiến hành khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng, tham vấn chuyên gia, tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Cũng theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, thực tế màu sắc của hệ trang trí mái chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm. Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới”, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, công trình này đã thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích và được các chuyên gia trong nước và Tổng cục Văn hóa của Nhật cử sang đây giám sát rất kỹ. Không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng là yếu tố gốc giữ được, đảm bảo công trình có tính lâu bền. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, địa phương cũng ghi nhận ý kiến góp ý từ nhân dân, các chuyên gia về màu sắc sơn phần tường có phần đậm, hơi hiện đại. Thành phố đã giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An xử lý lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.

Không tính đợt trùng tu mới nhất, theo tư liệu, chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích chùa Cầu” và phát hành trong dịp khánh thành ngày 3-8 sắp tới.

Tin cùng chuyên mục