Nơi ấy, Nguyễn Du từng sống, làm quan dưới triều Nguyễn, từng viết rất nhiều tác phẩm có giá trị về văn hóa, tư tưởng, mà chỉ kể riêng Truyện Kiều đã là một kiệt tác văn học, chinh phục các thế hệ công chúng hơn 200 năm qua. Cố đô Huế cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng và được an táng tại đây. Nhưng đâu là vị trí đại thi hào Nguyễn Du an táng trước khi đưa về cải táng tại quê nhà, giới nghiên cứu cả nước tìm kiếm lâu nay vẫn chưa ra…
Nghi vấn an táng Bàu Đá
Năm 2008, nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy ở TPHCM công bố công trình nghiên cứu “Đi tìm nơi an táng của thi hào Nguyễn Du tại Huế”, xác định là tại Bàu Đá - cánh đồng nằm sau chùa Thiên Mụ (nay thuộc 2 làng Lựu Bảo và An Ninh Thượng, thị xã huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Giả thiết này gây chú ý nhưng chưa thuyết phục được giới nghiên cứu, nhất là cánh đồng Bàu Đá không nằm ở vị trí mà nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy đưa ra, mà nó nằm ở Hậu Thôn của làng Kim Long, TP Huế.
Đối chiếu gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh (tức họ Nguyễn của cụ Nguyễn Du), sách sử triều Nguyễn, các tài liệu làng xã, dòng họ liên quan, cùng kết quả nghiên cứu thực địa, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu xác định, nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du (trước khi con cháu cải táng đưa về Hà Tĩnh vào năm 1824) là tại cánh đồng Bàu Đá, còn gọi là Thạch Bàu, Bàu Thôn (thuộc Hậu Thôn, làng Kim Long, nay thuộc tổ 2 - phường Kim Long, TP Huế).
Nhưng gia tộc Nguyễn Du ở Tiên Điền ghi chép, nơi an táng cụ đầu tiên là tại cánh đồng Bàu Đá, An Ninh, huyện Quảng Điền(?). Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu bác bỏ rằng, cánh đồng Bàu Đá thuộc làng Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà: Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi Bàu Đá ở huyện Quảng Điền là chép nhầm. Cánh đồng Bàu Đá xưa nay đều thuộc đất Hậu Thôn, làng Kim Long, huyện Hương Trà. “Từ khi người Việt vào Thuận Hóa định cư đến nay, vùng đất này chỉ duy nhất có một địa danh mang tên Bàu Đá của xóm Hậu Thôn hay còn gọi là Bàu Thôn.
Nơi cụ Nguyễn Du nằm cách nhà thờ họ Mai Bá (đến đời thứ 6 đổi thành Mai Khắc, bắt đầu từ cụ Mai Khắc Đôn, thầy dạy và là nhạc phụ vua Duy Tân. Họ này từ Bắc vào năm 1680, đời vua Lê Hy Tôn) chừng 300m. Bên cạnh đó, vào năm 1824, khi con trai Nguyễn Ngũ và cháu Nguyễn Thắng vào kinh đô Huế làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê, điều ấy chứng tỏ nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du vốn là đất công và chỗ ấy hiện vẫn là đất công do phường Kim Long quản lý”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu dẫn giải.
Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi theo đường Lý Nam Đế (phường Kim Long, TP Huế) rẽ vào con đường bê tông nơi có nhà thờ họ Mai Bá ở Kim Long chừng 300m thì đến cánh đồng Bàu Đá, Hậu Thôn làng Kim Long. Tại đây, con cháu họ Mai và bà con ở Hậu Thôn xưa nay vẫn truyền nhau bảo vệ chỗ nguyên táng cụ Du Đức hầu (tước của Nguyễn Du), không cho ai được chôn cất vào đó hay phá đi để cấy trồng. Ông Mai Khắc Chính, chắt nội cụ Mai Khắc Đôn, cho hay: “Cha tôi từng chỉ gò đất ở Bàu Đá và nói rằng, đó là nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó, tôi luôn tâm nguyện giữ gìn khu đất này, không để ai xâm phạm. Những điều tôi biết đều do ông bà, cha mẹ nói và truyền lại”, ông Mai Khắc Chính quả quyết.
Cần mở rộng nghiên cứu
Trên cơ sở khảo sát thực địa, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đưa ra lập luận, nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du từ tháng 9-1820 đến khoảng giữa năm 1824, được xác định tại địa điểm Bàu Đá, tổ 2, phường Kim Long, TP Huế. Nơi cụ Nguyễn Du nằm đầu gối Đông Bắc, chân đạp Tây Nam.
Đứng ở cánh đồng Bàu Đá, nơi nguyên táng đại thi hào nhìn ngang bên phải là điểm cuối của làng Vạn Xuân (nơi Nguyễn Du từng sống nhiều năm), bên trái là điểm đầu làng An Ninh Hạ, trước mặt hiện ra nghĩa địa Cồn Môn, sau lưng là Hậu Thôn. “Thuật phong thủy và tâm linh, thì chỗ nguyên táng ấy, linh khí tinh khôi. Một khoảnh đất rộng vài trăm mét vuông, đột khởi lên một cồn đất nhỏ, cỏ cây um tùm, chim chóc đánh rơi vài hạt mẩy mọc lên dăm ba cây đu đủ, quả sai. Vậy nên nơi đây cần xây dựng nhà bia tưởng niệm, hay một công trình văn hóa ghi dấu tích về đại thi hào Nguyễn Du; biến cánh đồng Bàu Đá thành một chốn linh thiêng, nơi thường lui tới của những người nghiên cứu, yêu mến Truyện Kiều và văn chương thi ca, văn hóa dân tộc. Khi nơi đây thành một địa chỉ văn hóa tâm linh gắn với giai đoạn đại thi hào Nguyễn Du sống và viết Truyện Kiều rồi mất ở Huế.
Đấy là một cách ứng xử nhân văn, là đồng vọng để cầu mong, để được hun đúc theo mạch nguồn hướng đến những chân giá trị văn hóa dân tộc, mà cụ thể hơn là đến với đại thi hào Nguyễn Du”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đề nghị.
Trong khi đó, tại buổi tọa đàm nhằm làm rõ một trong những dấu tích của đại thi hào Nguyễn Du trong những năm sống tại Huế, làm quan triều Nguyễn đến chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ (tương đương thứ trưởng ngày nay) và nơi nguyên táng của cụ do UBND TP Huế vừa tổ chức, vẫn còn nhiều giả thiết đưa ra với nhiều ý kiến trái ngược. Song một điểm chung mà các nhà nghiên cứu đều thống nhất, việc tìm kiếm nơi từng an táng đại thi hào Nguyễn Du tại Huế là việc làm quan trọng, tuy nhiên, những cứ liệu khoa học ấy hiện là chưa đủ.
Theo PGS - TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, đỉnh cao sự nghiệp của Nguyễn Du cả về văn học, chính trị, giáo dục đều ở Huế. Mô đất, những viên đá ở Bàu Đá có khả năng là đá mộ táng cũ nhưng có phải là nơi chôn cất cụ Nguyễn Du hay không thì phải nghiên cứu thêm gia phả, địa bạ, trích lục, sau đó làm hồ sơ thám sát, khảo cổ học. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất: “Việc mở rộng nghiên cứu tìm kiếm dấu tích liên quan đến nơi ở, nơi làm việc, nguyên táng của ông tại Huế là việc làm cần thiết. Cần nghiên cứu kỹ, xây dựng bộ hồ sơ khoa học về Nguyễn Du. Chưa nên khẳng định khi chưa có bộ hồ sơ chi tiết đủ sức thuyết phục. Nghiên cứu về Nguyễn Du cần có sự kết nối với gia tộc, di tích của ông ở Hà Tĩnh”.
Việc thành lập nhóm nghiên cứu đi tìm nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du cũng được các nhà nghiên cứu đặt ra. Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho rằng, cần tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du trong và ngoài nước để có thêm những cứ liệu. Tiếp đó, tổ chức thám sát, khảo cổ học, xác định nơi nguyên táng mới tiến hành lập hồ sơ khoa học. “Trước mắt, đề nghị UBND phường Kim Long khoanh vùng bảo vệ nguyên trạng khu vực nghi vấn là nơi nguyên táng của đại thi hào Nguyễn Du tại khu vực Bàu Đá”, ông Thạnh nói.