Đại thắng mùa xuân 1975 - Thắng lợi của lòng dân

Ngày 20-4, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Bộ Quốc phòng và Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh”. Tham dự có các đồng chí: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an. Về phía TPHCM có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UB MTTQ TPHCM Dương Quan Hà…
Đại thắng mùa xuân 1975 - Thắng lợi của lòng dân

Ngày 20-4, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Bộ Quốc phòng và Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh”. Tham dự có các đồng chí: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an. Về phía TPHCM có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UB MTTQ TPHCM Dương Quan Hà… 

Các tướng lĩnh trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các tướng lĩnh trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Triệu người dân - một tấm lòng

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng - PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nói: “Trên hành trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã bao phen phải dồn toàn bộ tinh thần và lực lượng để đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần. Truyền thống đó đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ”.

Đồng tình với nhận định này, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ trong tham luận: “Trên khắp miền Bắc, hình ảnh người phụ nữ đầu đội mũ rơm, vai khoác lá ngụy trang, lưng đeo súng trong khi sản xuất đã trở thành quen thuộc. Nhiều chị em đã hy sinh trên đồng ruộng, nơi trường học… Chưa có cuộc chiến tranh nào, lực lượng phụ nữ lại tham gia đông đảo với tinh thần quật khởi như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là những chị em sẵn sàng lao vào lửa đạn, xé áo mình để băng bó cho chiến sĩ; là những chiến sĩ trong mưa bom bão đạn vẫn bình tĩnh giương ống nhòm đếm từng quả bom…”.

Không riêng gì chị em phụ nữ, các thành phần khác như trí thức, tôn giáo, công nhân, nông dân… cũng một lòng một dạ với cách mạng.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, phát biểu: “Nhờ có tấm lòng yêu nước, các tăng ni, phật tử đã che chở rất nhiều cán bộ. Các nhà lãnh đạo cách mạng như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đều đã từng ẩn thân ở chùa, thoát khỏi sự truy nã của giặc một cách an toàn... Vì đại đa số quần chúng theo đạo Phật nên nhiều tăng ni đã nhân những buổi cầu an, cầu siêu mà thực hiện công tác giao liên, binh vận hoặc thuyết pháp để cảm hóa sĩ quan, binh lính, công chức của chế độ cũ, khiến họ phải thay đổi thái độ sống, âm thầm hỗ trợ, tuyên truyền cho cách mạng”.

Về những đóng góp của đồng bào Công giáo yêu nước, trong tham luận của mình, linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo TPHCM cho biết, đồng bào Công giáo đã tham gia vào phong trào đòi hòa bình; chống cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3-10-1971; tham gia chống đàn áp, tra tấn và giam giữ sinh viên, học sinh…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chia sẻ: “Các tầng lớp nhân dân TP sống trong hang ổ đầu não của quân thù vẫn luôn kiên trung đi theo Đảng, sẵn sàng đương đầu với mọi gian lao thử thách. Anh chị em công nhân của các xí nghiệp, bà con nông dân ngoại thành, bà con lao động và chị em tiểu thương, thanh niên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, các nhân sĩ yêu nước, đồng bào các tôn giáo và bà con người Hoa được tổ chức thành những lực lượng chính trị đã đứng vững trên tư thế tiến công. Kẻ thù không chỉ kinh hoàng trước những trận tấn công như vũ bão của lực lượng vũ trang mà còn luôn run sợ trước đội quân chính trị này…”.

Bài học về tinh thần đoàn kết

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và nhân dân ta đã đoàn kết thành một khối vững chắc bằng những mối dây liên hệ vô cùng bền chặt. Đảng hết lòng vì dân, tin dân, tin vào sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân và dân một lòng theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đó là mối quan hệ máu thịt: Đảng với dân, dân với Đảng. Thực tiễn cho thấy, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bất luận ở hoàn cảnh nào và bất cứ ở đâu, Đảng và nhân dân cũng luôn quyện vào nhau như hình với bóng”.

Thượng tướng Phan Trung Kiên phát biểu tại hội thảo.

Thượng tướng Phan Trung Kiên phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thượng tướng Phan Trung Kiên nhấn mạnh: “35 năm nhìn lại, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định, đặc biệt là sức mạnh phi thường của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành một thắng lợi của lòng dân. Đại thắng mùa xuân 1975 là kết quả tất yếu của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền với sự ủng hộ quốc tế, có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc và thời đại”.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhận định: “Giá trị của các đề tài nghiên cứu trong hội thảo này sẽ giúp chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”

ĐOÀN HIỆP - MAI HƯƠNG

Thông tin liên quan:
>> Đạo Phật và mùa xuân 1975

Tin cùng chuyên mục