Các sòng bạc này hầu hết do chủ là người Trung Quốc quản lý, trực tiếp điều hành. Dưới chủ sòng có rất nhiều tay chân sẵn sàng dùng roi điện, gậy sắt đánh đập nếu các lao động có dấu hiệu chống đối, làm việc không đạt chỉ tiêu.
Quá trình điều tra, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi (đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho thấy, hoạt động, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép xảy ra khá lâu. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ người nghèo đang cần việc làm với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”.
Thực tế, lao động Việt phải làm việc xuyên suốt 14-16 tiếng mỗi ngày. Phần lớn bị ép tham gia điều hành các trang web cờ bạc, lừa đảo trên Internet. Ai không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ lương, làm chậm bị trừ lương, đi vệ sinh lâu hơn 5 phút cũng bị trừ lương. Do đó, gần như không có lao động nào được trả tiền công.
Muốn được về nước, người nhà phải bỏ tiền ra chuộc với số tiền hàng ngàn USD. Các lao động cũng thường xuyên bị mua bán qua lại giữa các sòng bạc như một món hàng.
"Chúng tôi đã báo cáo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh, thành có đường dây đưa người xuất cảnh trái phép, nhằm tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây. Hiện Công an Campuchia đang phối hợp với Công an tỉnh An Giang, cùng các ngành chức năng tỉnh hoàn thành các thủ tục trao trả 11 công dân còn lại qua đường ngoại giao. Lực lượng chức năng 2 nước sẽ phối hợp mở rộng điều tra các đường dây tổ chức đưa người khác xuất nhập cảnh trái phép”, Đại tá Đinh Văn Nơi nói.
Liên quan tới vụ việc, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 38 người do hành vi xuất nhập cảnh trái phép, 2 trường hợp không bị xử phạt là trẻ em...